ILO ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu và cần có lộ trình

Tăng tuổi nghỉ hưu một lần nữa lại được đề cập trong đề án cải cách bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7. Theo chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết trong bối cảnh hiện nay và việc này càng thực hiện sớm sẽ giúp giảm được các tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Tăng tuổi nghỉ hưu sớm và có lộ trình từ từ là giải pháp tốt nhất cho quỹ BHXH hiện nay - Ảnh: ILO

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nuno Cunha, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay, thách thức của hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ có thể xử lý bằng việc thay đổi các tham số của hệ thống, mà một trong các tham số đó là tuổi nghỉ hưu.

TBKTSG Online: Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) mang lại tỷ suất lợi nhuận còn thấp. Xin ông cho biết liệu có thể không tăng tuổi nghỉ hưu mà thay vào đó là tăng tính hiệu quả của đầu tư quỹ BHXH?

Ông Nuno Cunha: Hiệu quả hoạt động của quỹ BHXH có một vai trò nhất định trong việc đảm bảo sự cân đối của quỹ. Tuy nhiên, tốc độ thay đổi nhân khẩu nhanh như ở Việt Nam, đặc biệt là tốc độ già hóa dân số, đã dẫn đến những thách thức chỉ có thể xử lý bằng việc thay đổi các tham số của hệ thống BHXH, mà một trong các tham số đó là tuổi nghỉ hưu. Tăng tuổi nghỉ hưu là một xu hướng ở nhiều nước trong khu vực và so sánh với các quốc gia có cùng mức tuổi thọ trung bình của dân số thì tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam rõ ràng thấp hơn.

Chúng tôi hiểu rằng người dân sẽ không hài lòng với việc tăng tuổi nghỉ hưu, đây là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu về tuổi thọ trung bình, đặc biệt là tuổi thọ của những người sống từ 60 trở lên, có thể thấy là ngày nay một phụ nữ Việt Nam khi đạt đến tuổi 60 thì có tuổi thọ trung bình đến 81,6 tuổi. Như vậy nếu nghỉ hưu ở tuổi 55, phụ nữ Việt Nam sẽ nhận lương hưu hơn 26 năm.

Tưởng tượng là nếu người này bắt đầu tham gia lao động từ 25 tuổi, tối đa có thể đóng được 30 năm (thậm chí ít hơn). Như vậy đóng 30 năm để hưởng lương hưu 26 năm là điều không thể. Do vậy không hề khó khi thấy được thách thức mà hệ thống cần xử lý. Lần này tình hình càng khó khăn hơn, không chỉ là việc tuổi thọ tăng, mà còn ở một yếu tố khác, đó là tỷ lệ dân số lao động trên mỗi một người già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn khoảng 2.

Chúng tôi không tưởng tượng nổi hệ thống sẽ tồn tại như thế nào nếu các tham số như tuổi nghỉ hưu không được điều chỉnh.

Do hiểu rõ được các thách thức với hệ thống nên chúng tôi ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu một cách từ từ. Theo đề xuất là mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ năm 2020, nghĩa là đến tận năm 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 và đến tận 2028 mới nghỉ ở tuổi 57. Việc tăng tuổi nghỉ hưu từ từ như vậy cho phép người dân và nền kinh tế điều chỉnh theo.

Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả đầu tư quỹ BHXH hiện nay?

Chúng tôi chưa tiến hành phân tích cụ thể về hiệu quả đầu tư quỹ. Tuy nhiên không thể tách rời hoạt động của quỹ với hiệu quả của thị trường tài chính ở Việt Nam và các cơ hội đầu tư. Đồng thời, chúng ta cũng phải lưu ý là việc đầu tư quỹ cần phải được triển khai một cách cẩn trọng.

BHXH Việt Nam hiểu rằng cần phải cải thiện hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên tôi không cho rằng nó sẽ mang lại những tác động lớn đến tình hình tài chính của hệ thống và với tốc độ già hóa dân số nhanh như thế này thì điều không thể tránh khỏi là phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để kịp thời ứng phó với thay đổi về nhân khẩu học.

Theo ông, liệu có cách nào khác để không làm vỡ quỹ nhưng cũng không làm giảm quyền lợi của người lao động thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu?

Có 3 phương án chính để đảm bảo tính bền vững tài chính của một hệ thống an sinh xã hội: giảm chế độ, tăng tuổi nghỉ hưu và tăng tỷ lệ đóng góp. Mỗi phương án đều có tác động khác nhau đến hệ thống an sinh và đồng thời tác động đến cả từng người dân và doanh nghiệp. Cần tìm được giải pháp cân bằng 3 phương án trên cũng như cần thực hiện hiện cải cách từ từ để đảm bảo người dân và doanh nghiệp có đủ thời gian để điều chỉnh.

Việc tăng tỷ lệ đóng phí là rất khó khăn hiện nay khi các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị về tỷ lệ đóng BHXH hiện nay quá cao. Việc giảm tỷ lệ hưởng cũng không dễ dàng khi tiền lương hưu của người lao động đã rất thấp. Như vậy, giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu là khả thi nhất hiện nay.

Có nhiều ý kiến cho rằng, quỹ BHXH chỉ hào phóng đối với khu vực nhà nước, còn đối với khu vực tư nhân không được vậy. Do đó, thâm hụt ở đây chủ yếu do lao động khu vực nhà nước gây ra. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam bắt đầu xây dựng hệ thống hưu trí trước tiên cho khu vực nhà nước với khá nhiều ưu đãi cho những người có đóng góp trong việc xây dựng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tiêu chuẩn quốc tế tốt đòi hỏi các chế độ trong khu vực công phải giống với khu vực tư nhân. Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hòa nhập 2 hệ thống và những điều khác biệt về chế độ sẽ dần biến mất.

Thùy Dung thực hiện

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/272210/ilo-ung-ho-tang-tuoi-nghi-huu-va-can-co-lo-trinh.html