IMF giải ngân hơn 110 triệu USD giúp Rwanda giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 11/6 đã thông qua việc giải ngân hơn 110 triệu USD cho Rwanda nhằm giúp quốc gia Trung Phi này giảm nhẹ tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế.

Người dân mua thực phẩm tại chợ ở Kigali, Rwanda ngày 20/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân mua thực phẩm tại chợ ở Kigali, Rwanda ngày 20/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một tuyên bố, IMF cho biết triển vọng kinh tế của Rwanda đã xấu đi khiến tổ chức này phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2020 của nước này từ mức 5,1% xuống 2% do tác động của dịch bệnh ngày càng sâu rộng.

Với khoản tiền trên, tổng số tiền IMF hỗ trợ Rwanda đã lên đến 220,46 triệu USD nhằm cải thiện cán cân thanh toán và nhu cầu ngân sách khẩn cấp. IMF nhấn mạnh nhu cầu chi tiêu chưa từng có do đại dịch gây ra, cộng với nguồn thu suy giảm, đang gây áp lực lớn lên tài chính công của Rwanda.

Rwanda là một trong những quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất ở châu Phi nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm đóng cửa một số doanh nghiệp, đóng cửa biên giới và trường học. Nền kinh tế Rwanda phụ thuộc một phần vào thu nhập từ du lịch nhưng lĩnh vực này gần như đóng băng trong đợt bùng phát dịch COVID-19. Rwanda hiện ghi nhận 476 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong.

* Cùng ngày, Chính phủ Nigeria cho biết gần 40 triệu người nước này được cho là sẽ mất việc vào cuối năm nay do tác động của việc áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, cuộc khảo sát do Văn phòng thống kê quốc gia (NBS) thực hiện cho thấy nhiều người Nigeria có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trước khi đại dịch được khống chế hoàn toàn. Các biện pháp được áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã gây ra tác động tiêu cực tại các trang trại và nhà máy, cũng như trong lĩnh vực thương mại, giao thông và du lịch.

Phó Tổng thống Yemi Osinbajo khẳng định để tạo ra hàng triệu việc làm mới, các bộ ngành của Nigeria cần tập trung vào khuyến khích sản xuất, dịch vụ tại địa phương, đổi mới phương thức sản xuất và chú trọng việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào, sản phẩm nội địa. Nigeria có tiềm năng và có thể sản xuất được các sản phẩm cần thiết. Việc thúc đẩy và phát huy các khả năng sẵn có sẽ giúp tạo thêm nhiều việc làm cũng như tiêu thụ được các sản phẩm nội địa.

* Tại khu vực Trung Đông, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 11/6 tuyên bố kinh tế Israel đang trên đà hồi phục nhưng cũng cảnh báo về sự gia tăng các ca mắc COVID-19 tại nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Bộ Y tế Israel cùng ngày xác nhận 214 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc bệnh tại nước này lên 18.569 người. Đây là lần đầu tiên số ca mắc bệnh theo ngày ở Israel tăng hơn 200 người kể từ ngày 25/4. Số ca tử vong tăng lên 1 người, hiện tổng số người chết vì COVID-19 là 300 trường hợp.

Thủ tướng Netanyahu kêu gọi người dân duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tăng cường tuân thủ các qui định vệ sinh. Ông cũng cảnh báo rằng nếu số ca lây nhiễm tiếp tục tăng, chính phủ sẽ áp đặt trở lại các qui định hạn chế đối với các hoạt động kinh tế xã hội.

Cùng ngày, Bộ Giáo dục Israel đã ra thông báo 460 giáo viên và học sinh ở nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và 165 trường học đã bị đóng cửa sau khi các ca mắc bệnh được ghi nhận tại các trường học.

* Trong khi đó, nhà chức trách Saudi Arabia thông báo sẽ nối lại các hoạt động thể thao nhưng không có khán giả bắt đầu từ ngày 21/6 tới, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Việc nối lại các hoạt động thể thao bao gồm cả công tác huấn luyện. Các cuộc thi đấu thể thao sẽ được bắt đầu từ sau ngày 4/8, nhưng quyết định là do mỗi liên đoàn thể thao.

Trần Quyên - Lê Quang Trường - Nguyễn Việt Thắng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/imf-giai-ngan-hon-110-trieu-usd-giup-rwanda-giam-nhe-tac-dong-cua-dich-covid19-20200612144146537.htm