IMF: Kinh tế vĩ mô Việt Nam đang lấy lại sự ổn định

(CATP) Ban giám đốc điều hành (GĐĐH) Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa kết luận về đợt tham khảo điều IV điều lệ quỹ với Việt Nam. Đây là một phần trong nỗ lực của IMF nhằm tăng cường tính minh bạch về các quan điểm và phân tích của IMF về diễn biến chính sách kinh tế nước hội viên.

Theo đánh giá của IMF, Việt Nam đã lấy lại được sự ổn định kinh tế vĩ mô trong năm qua. Xuất khẩu tiến triển tốt, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ở khu vực doanh nghiệp trong nước, mặc dù đã được cải thiện, vẫn chưa tìm được một nền tảng vững chắc bởi một số yếu tố, bao gồm năng suất thấp, cấu trúc phân bổ nguồn lực, bảng cân đối ngân hàng gặp vấn đề và một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động kém hiệu quả. IMF lo ngại, khu vực tài chính và DNNN vẫn là nguồn rủi ro chính. DNNN chiếm ưu thế trong các ngành quan trọng, và xét về tổng thể có biên độ lợi nhuận cao mặc dù tình trạng tài chính thực tế của họ vẫn chưa được công khai. Ước tính gần đây cho thấy DNNN chiếm 1/3 tổng tài sản có kinh doanh, 1/6 công ăn việc làm. Khối này cũng chiếm 1/2 thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp và 1/3 thu thuế giá trị gia tăng trong nước. Vì thế, việc cải cách DNNN có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và giảm rủi ro tài khóa. Hiện Chính phủ đã đề ra một kế hoạch tái cơ cấu tổng thể và yêu cầu các DNNN phải thoái vốn khỏi các tài sản nằm ngoài hoạt động kinh doanh chính, làm rõ các kênh báo cáo, cải thiện công tác kiểm soát nội bộ và báo cáo tài chính. Dự kiến khoảng 1.200 DNNN sẽ được tái cơ cấu, trong đó có một số doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ hay mới chỉ đạt được ở mức hòa vốn. Chiến lược cải cách giai đoạn 2011 - 2015 tập trung vào việc giữ lại quyền sở hữu toàn bộ đối với khoảng 50% DNNN đang hoạt động trong lĩnh vực công ích hay có lợi ích chiến lược, trong đó một số doanh nghiệp có sức mạnh độc quyền đáng kể. Khoảng 43% DNNN sẽ được cổ phần hóa, số còn lại sẽ được tái cấu trúc, bán hay thanh lý. Ban GĐĐH IMF cho rằng, cần thành lập một ủy ban chỉ đạo cấp cao nhằm thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, củng cố trách nhiệm giải trình và kỷ luật tài chính. Các GĐĐH của IMF cũng khuyến khích việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các DNNN và tư nhân, đảm bảo tiếp cận vốn một cách công bằng, tạo điều kiện cạnh tranh hơn trong các khu vực do nhà nước chi phối, bao gồm cơ sở hạ tầng.

Cũng theo IMF, tăng trưởng tín dụng thực ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, chủ yếu tập trung ở các khu vực hướng về xuất khẩu và nông nghiệp. Lạm phát chung đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn áp lực. Thặng dư tài khoản vãng lai tăng mạnh lên 9,1 tỷ USD trong năm 2012 từ mức 0,2 tỷ USD trong năm 2011, do nhập khẩu giảm và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Trong hai năm tới, IMF dự kiến, thặng dư tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao và luồng vốn FDI vẫn mạnh mẽ, hỗ trợ cho dự trữ quốc tế. Nhờ xuất khẩu hỗ trợ, tăng trưởng trong năm 2013 được dự báo ở mức trên 5%. Lưu ý với Việt Nam về các rủi ro lớn trong và ngoài nước trong giai đoạn tới, các GĐĐH IMF nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh nới lỏng vị thế chính sách tại giai đoạn bước ngoặt này cũng như cần thúc đẩy cải cách cơ cấu. Các GĐĐH khuyến khích NHNN tiếp tục tập trung đạt được lạm phát thấp và ổn định, hỗ trợ neo tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Theo các GĐĐH, trong ngắn hạn, có ít dư địa để NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất do việc này có thể khiến NHNN gặp phải rủi ro về uy tín trong việc chống lạm phát.

Ghi nhận những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các yếu kém trong khu vực ngân hàng nhưng IMF cho rằng các vấn đề vẫn còn tồn tại và trở nên lớn hơn khi kết hợp với những thiếu hụt về thông tin. Để hệ thống ngân hàng khỏe mạnh trở lại, các GĐĐH IMF khuyến khích Chính phủ thực hiện các khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính. Đặc biệt, cần thực hiện các biện pháp để cấp vốn bổ sung cho các ngân hàng, củng cố giám sát và quản lý ngân hàng, thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố phân tích rủi ro tín dụng và quản trị bằng cách tăng cường tính minh bạch.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=707&id=501293&mod=detnews&p=