In 3D ở Việt Nam: Vẫn chỉ mang tính thử nghiệm

Mặc dù công nghệ in 3D đã có mặt trong khá nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, từ y khoa, mỹ nghệ, thời trang, kiến trúc, cơ khí, giáo dục… nhưng theo các chuyên gia, việc ứng dụng vẫn chủ yếu mang tính chất thử nghiệm.

Cánh tay điều khiển bằng suy nghĩ được hình thành từ công nghệ in 3D của Công ty TNHH 3D Master

Sau hơn một thập kỷ có mặt tại Việt Nam, thành tựu nổi bật nhất được ghi nhận của công nghệ in 3D là việc "in" mảnh sọ bằng methyl methacrylate để vá lỗ thủng trên đầu một bệnh nhân 17 tuổi ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vào đầu năm 2016. Kỹ thuật in 3D tạo ra miếng ghép có độ chính xác cao về hình dáng, kích thước, giúp tối ưu hiệu quả điều trị và thẩm mỹ.

Độ chính xác tuyệt đối của in 3D cũng đã được các doanh nghiệp sản xuất hàng mỹ nghệ tận dụng. Ông Đặng Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH đúc đồng Ngọc Thanh, xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi, TPHCM, đã tìm tới công nghệ này từ năm 2014 để tạo sản phẩm mẫu.

“Nếu đắp mẫu bằng tay thì khi sang mẫu thứ 2 đã có sự chênh lệch, trong khi với máy in 3D, chúng ta có thể tạo ra những mẫu vật giống hệt nhau, chính xác đến từng chi tiết nhỏ”, ông Thanh chia sẻ.

Công nghệ in 3D cũng giúp các doanh nghiệp cá thể hóa từng dòng sản phẩm, thậm chí từng sản phẩm mà không quá tốn kém, giảm chi phí tạo mẫu, từ đó giảm chi phí và thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và độ khó của sản phẩm.

In 3D cũng đã được ứng dụng trong nghiên cứu, giáo dục như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường THPT Thực nghiệm Hà Nội, Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội... Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Hà Nội đã dùng thiết bị này trong việc nghiên cứu chế tạo các thiết bị vi cảm biến.

Vẫn mang tính thử nghiệm

Tuy nhiên, khái quát về tình hình phát triển công nghệ in 3D ở Việt Nam, TS. Nguyễn Minh Triển, Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác phát triển, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Phần lớn các công ty in 3D ở Việt Nam nhập khẩu giải pháp và thiết bị có sẵn để đáp ứng nhu cầu sản xuất/dịch vụ và bước đầu tìm kiếm, xây dựng thị trường. Về mặt công nghệ, chúng ta mới chỉ chế tạo được các máy CNC (máy gia công từ hình 3D trên máy tính) và máy in 3D có độ chính xác thấp, in các vật thể không quá lớn. Nguyên liệu in 3D thì chúng ta phải nhập khẩu chứ chưa tự sản xuất được”.

Về mặt sử dụng, ông Triển cho biết hiện máy in 3D chủ yếu được dùng làm sản phẩm mẫu cho các start-up, viện nghiên cứu để phát triển ý tưởng hay chế tạo các linh kiện đơn giản theo yêu cầu. Một số cơ sở sản xuất đã sử dụng máy in 3D có độ phân giải cao để tạo khuôn đúc.

Còn TS. Nguyễn Việt Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học-Công nghệ Vinasa, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, nhận xét: “Hiện nay, một số đơn vị trong nước đã dùng in 3D cho nhiều mục đích, nhưng việc ứng dụng chủ yếu mang tính chất thử nghiệm. Sản phẩm chủ yếu làm từ nhựa vì các nguyên liệu khác và máy in có thể sử dụng chúng còn đắt, chưa được nhập nhiều”.

Lý giải điều này, ông Hải cho rằng, bản chất in 3D là ngành sản xuất phục vụ theo nhu cầu. Nếu bám được vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất thì sẽ có điều kiện mở rộng, nếu không, các sản phẩm làm ra chỉ dừng lại ở mức kiểm chứng, demo...

Để tiếp cận được thị trường thì phải tìm và tạo ra chuỗi giá trị trước, nghĩa là phải thiết kế ra sản phẩm được xã hội quan tâm rồi mới dùng in 3D như một công cụ hiệu quả để tạo sản phẩm đó.

Cũng lý giải nguyên nhân in 3D chưa phát triển ở Việt Nam, TS. Triển đề cập tới vấn đề đầu tư và tư duy giáo dục: “Đó là do chúng ta chưa đầu tư thỏa đáng cho khoa học cơ bản để hướng tới mục tiêu có sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, tư duy giáo dục còn thiếu tính đổi mới sáng tạo, start-up chủ yếu là bắt chước nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm chứ chưa đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, khai phá thị trường mới".

Theo báo cáo được công bố vào tháng 7/2017 của Công ty Nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, Mỹ, thị trường in 3D sẽ đạt giá trị khoảng 32,78 tỷ USD vào năm 2023, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm đạt khoảng 25,76% trong giai đoạn 2017-2023. Sự tăng trưởng này có được nhờ sự phát triển dễ dàng các sản phẩm tùy biến, giảm chi phí sản xuất chung, nhờ những dự án đầu tư vào công nghệ in 3D của các chính phủ...

Từ nhiều năm nay, một số nước đã có chiến lược phát triển công nghệ in 3D để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, Hàn Quốc triển khai chiến lược này từ năm 2014 với mục tiêu “xóa mù” về in 3D cho thế hệ công dân mới và đào tạo 10 triệu chuyên gia về lĩnh vực này cho đến năm 2020.

(theo KH&PT)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/in-3d-o-viet-nam-van-chi-mang-tinh-thu-nghiem/317783.vgp