In thẻ, card mạo danh nhà báo có thể bị xử lý hình sự

Hành vi mạo danh nhà báo để trục lợi cá nhân không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cơ quan báo chí.

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên

Đối tượng Nguyễn Quang Hưng mạo danh nhà báo đã bị CQCA tạm giữ hình sự. Ảnh: CQCA cung cấp

Giả mạo nhà báo để xin bỏ qua vi phạm

Ngày 20/9, tổ công tác của Cục CSGT và Công an TP Thái Nguyên phối hợp kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn tại đường Bến Oánh, TP Thái Nguyên. Qua quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện lái xe Nguyễn Quang Hưng (SN 1986, trú tại Hà Nội) điều khiển xe ô tô mang BKS 30E - 317.XX có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,497mg/L. Tổ tuần tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Quang Hưng.

Được biết, trong quá trình lập biên bản, người này khai nhận nghề nghiệp của mình là nhà báo. Đến ngày 28/9, Nguyễn Quang Hưng đã đến Phòng CSGT - Công an tỉnh Thái Nguyên để giải quyết vi phạm về nồng độ cồn.

Tại đây, Nguyễn Quang Hưng đã xuất trình 3 thẻ, gồm: 1 Thẻ nhà báo phóng viên với chức vụ Phó quyền Trưởng ban Thời sự - Ban an toàn giao thông của Đài truyền hình Việt Nam; 1 Thẻ nhà báo phóng viên với chức Phó quyền trưởng ban thời sự - Ban an toàn giao thông của Đài truyền hình Việt Nam; 1 Thẻ nhà báo với chức vụ Phó trưởng Ban thời sự.

Qua kiểm tra xác minh, CQCA xác định các thẻ trên của Nguyễn Quang Hưng là giả nên đã báo cáo CQ CSĐT Công an TP Thái nguyên giải quyết theo quy định của pháp luật. Tại CQĐT, Nguyễn Quang Hưng xác nhận Hưng không phải là nhà báo của Đài truyền hình Việt Nam và thẻ nhà báo, phóng viên Hưng xuất trình với cán bộ CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên là giả.

Trước đó, khoảng 9h30 ngày 14/3/2023, trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông trên tuyến đường Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, Tổ công tác của Đội CSGT trật tự Công an quận Lê Chân, TP Hải Phòng đã phát hiện Đàm Mạnh Ninh, 44 tuổi, trú tại Đông Hải 1, Hải An, Hải Phòng sử dụng thẻ nhà báo giả. Tổ công tác đã đưa Ninh về Công an phường An Biên (quận Lê Chân) bàn giao, xử lý theo quy định pháp luật.

Quá trình điều tra xác định, Đàm Mạnh Ninh thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông nên đã nảy sinh ý định làm thẻ nhà báo giả với mục đích nếu lực lượng CSGT bắt thì sẽ xuất trình thẻ để xin không bị xử phạt hoặc xử phạt nhẹ. Đàm Mạnh Ninh lên mạng đặt làm giả thẻ nhà báo với giá 2,5 triệu đồng.

Cơ quan CSĐT Công an quận Lê Chân đã tiến hành xử lý đối với Đàm Mạnh Ninh về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật.

Chế tài xử lý ra sao?

Từ những vụ việc trên, bạn đọc đặt câu hỏi những đối tượng tự in thẻ, card visit mạo danh nhà báo, cán bộ đại diện cơ quan báo chí để thực hiện những hành vi đe dọa, trục lợi sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Pháp luật và Xã hội đã có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Thị Nguyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đinh Thị Nguyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á cho biết, hành vi giả mạo nhà báo để trục lợi có thể bị xử lý hình sự. Ảnh: Thái An

Xin luật sư cho biết pháp luật quy định những hành vi nào có dấu hiệu mạo danh nhà báo? Mục đích của hành vi mạo danh nhà báo là gì?

Theo quy định tại Điều 14, Luật Báo chí: “Nhà báo phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo”.

Đối chiếu với quy định nêu trên, hành vi mạo danh nhà báo là hành vi của các đối tượng tuy không phải là nhà báo nhưng tự làm thẻ giới thiệu, card visit lấy danh nghĩa nhà báo, thậm chí có đối tượng không trả lại thẻ nhà báo khi có Quyết định thu hồi, hoặc hết thời hạn sử dụng thẻ nhà báo, không còn hoạt động tại cơ quan báo chí nhưng vẫn giữ lại thẻ để sử dụng và hoạt động báo chí. Mục đích của hành vi mạo danh nhà báo chủ yếu là để trục lợi cá nhân. Hành vi này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

Đặc biệt nguy hiểm là thời gian gần đây có dấu hiệu xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh nhà báo để thực hiện các hành vi gian dối nhằm trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động báo chí nói chung, cũng như hình ảnh nhà báo nói riêng.

Xin luật sư cho biết, hành vi mạo danh nhà báo bị điều chỉnh bởi quy định pháp luật nào? Chế tài xử lý ra sao?

Căn cứ theo quy định tại Luật Báo chí thì hành vi mạo danh nhà báo để trục lợi cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm. “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.”, Điều 2, Luật Báo chí quy định.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Chương II Nghị định 119/2020/NĐ-CP, ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi.

Tùy tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm (xin bỏ qua các lỗi có mức phạt hành chính tương đối nghiêm về nồng độ cồn, tốc độ, tuân thủ đèn tín hiệu giao thông…) mà các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Khoản 3 Điều 341, BLHS năm 2015 với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, thậm chí phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, cùng với đó là hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo luật sư, chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa như thế nào đối với thực trạng này?

Trước hết, các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan báo chí cần phải nghiêm túc thực hiện, kịp thời xử lý vi phạm trong việc cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo theo đúng quy định. Hoạt động cấp, đổi, thu hồi Thẻ nhà báo cần phải được rà soát, lên danh sách chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, tránh tình trạng sử dụng thẻ hết thời hạn sử dụng để trục lợi cá nhân, thậm chí nhiều nhà báo không còn làm việc tại cơ quan báo chí, nhưng không chịu trả lại thẻ để sử dụng cho mục đích cá nhân, trục lợi bất chính.

Bên cạnh biện pháp về quản lý Nhà nước trong hoạt động báo chí, thì trên hết, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phải cảnh giác, phát hiện các dấu hiệu khả nghi về nhân thân của đối tượng trong quá trình các đối tượng đề nghị được tiếp xúc, làm việc như: không có thẻ nhà báo, hoặc thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng, không có giấy giới thiệu hoặc văn bản tương đương khi đến làm việc, mục đích không có rõ ràng, thiếu căn cứ, vi phạm pháp luật,... Trong những trường hợp này, các tổ chức, cá nhân có thể liên lạc với CQCA để làm rõ vụ việc, tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo, trục lợi bất chính.

Ngoài các biện pháp phòng ngừa nêu trên, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự chính là biện pháp răn đe nghiêm khắc nhất đối với các hành vi mạo danh nhà báo để xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác.

Theo đó, tùy từng giá trị tài sản bị chiếm đoạt, cũng như các yếu tố định khung hình phạt khác, mà người phạm tội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến hình phạt tù chung thân.

Xin cảm ơn luật sư!

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/in-the-card-mao-danh-nha-bao-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-354718.html