Indonesia công bố 5 trụ cột cải cách lĩnh vực tài chính

Thứ trưởng Bộ Tài chính Indonesia cho hay 2 trụ cột đầu tiên là củng cố niềm tin của công chúng vào các tổ chức dịch vụ tài chính và phát triển các hoạt động tài chính kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Suahasil Nazara cho biết cải cách lĩnh vực tài chính theo Luật phát triển và tăng cường lĩnh vực tài chính (UU P2SK) sẽ dựa vào 5 trụ cột chính.

Trong một thông cáo, ông Suahasil cho hay 2 trụ cột đầu tiên là củng cố niềm tin của công chúng vào các tổ chức dịch vụ tài chính; và phát triển các hoạt động tài chính kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo.

Trụ cột thứ ba liên quan đến nỗ lực thúc đẩy tích lũy vốn dài hạn. Trụ cột thứ tư là nhà nước bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính. Và cuối cùng là phổ biến kiến thức và phát triển tài chính bao trùm.

Theo ông Sartono, đối tác quản lý của Hanafiah Ponggawa & Partners (Dentons HPRP), UU P2SK quy định một số vấn đề quan trọng và dự kiến sẽ mang lại những cơ hội lớn hơn cho việc áp dụng Quản trị Môi trường và Xã hội (ESG) trong lĩnh vực tài chính.

Ông Sartono cho biết: “UU P2SK dự kiến sẽ tăng cường quản lý lĩnh vực tài chính và cải thiện niềm tin của công chúng để đạt được phúc lợi và bảo vệ người tiêu dùng”.

Trong khi đó, bà Greta Joice Siahaan, nhà phân tích cấp cao thuộc Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK), cho hay các ưu tiên cải cách lĩnh vực tài chính của cơ quan này là tách rời hoặc hợp nhất các ngân hàng và các công ty bảo hiểm Hồi giáo Sharia.

Theo bà Greta, các ưu tiên cải cách bao gồm triển khai UU P2SK vào năm 2028 và tăng cường giám sát hành vi thị trường. UU P2SK cũng có thêm nhiệm vụ mới là điều chỉnh các hợp tác xã, các tài sản tài chính kỹ thuật số và tài sản tiền điện tử.

Về phần mình, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) Shinta Kamdani nhấn mạnh rằng việc thực hiện ESG là tất yếu vì lợi nhuận kinh doanh không còn chỉ dựa vào hiệu quả hoạt động.

Theo bà Shinta, các nhà đầu tư coi ESG là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư, đồng thời nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, nhân quyền và minh bạch trong việc bảo vệ người tiêu dùng.

Bà Ipshita Chaturvedi, đối tác của Dentons Rodyk, lưu ý rằng nếu bỏ qua ESG, tổn thất dài hạn có thể sẽ ngày càng lớn. Vào năm 2021, quỹ giải quyết tác động biến đổi khí hậu đã tăng từ 850 tỷ USD vào năm 2020 lên 940 tỷ USD./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-cong-bo-5-tru-cot-cai-cach-linh-vuc-tai-chinh/282149.html