Indonesia đấu tranh với lực lượng đông đảo tàu Trung Quốc ở vùng biển Natuna

Trung Quốc tiếp tục cho tàu cá và tàu hải cảnh bám trụ ở biển Natuna, quần đảo Riau, bất chấp sự phản đối cũng như tăng cường lực lượng chấp pháp của Indonesia ở vùng biển này. Đó là lý do tại sao người ta tin rằng Indonesia sẽ phải xem xét lại chiến lược với Trung Quốc, như lời Tổng thống Joko Widodo thì 'chủ quyền quốc gia là không thể mặc cả'.

 Ngày 6-1, Indonesia đã triển khai thêm 4 tàu chiến bổ sung đến vùng biển Natuna, sau khi các tàu Trung Quốc từ chối rời khỏi khu vực. Các tàu này bổ sung quân số cho 4 tàu hiện có làm nhiệm vụ tuần tra ở khu vực Natuna, mũi phía Nam của Biển Đông.

Ngày 6-1, Indonesia đã triển khai thêm 4 tàu chiến bổ sung đến vùng biển Natuna, sau khi các tàu Trung Quốc từ chối rời khỏi khu vực. Các tàu này bổ sung quân số cho 4 tàu hiện có làm nhiệm vụ tuần tra ở khu vực Natuna, mũi phía Nam của Biển Đông.

Được biết, quân đội Indonesia cũng đã huy động 600 binh sĩ, 4 tàu chiến, máy bay trinh sát và máy bay đến vùng biển Natuna để bảo vệ chủ quyền. Khoảng 120 ngư dân cũng tình nguyện tới khu vực này để đối mặt với các tàu thuyền Trung Quốc

Trước đó, hàng chục tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc đã tiến vào Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại ngoài khơi quần đảo Natuna trong tháng 12-2019. Ít nhất 3 tàu hải cảnh của Trung Quốc cũng xuất hiện tại khu vực.

Nhà chức trách Indonesia, cho biết tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại 30 điểm trong vùng nước quanh quần đảo Natuna, mỗi điểm có từ 1 đến 2 tàu cá.

Bất chấp sự phản đối của Jakarta, Bắc Kinh tuyên bố vùng nước tại Natuna, nằm ở mũi phía Nam của Biển Đông, là vùng đánh cá truyền thống, vì vậy từ chối rút tàu đánh cá trở về.

Theo chỉ huy Fajar Tri Rohadi thuộc Bộ tư lệnh Hạm đội 1 Hải quân Indonesia, hải quân và không quân Indonesia đang phối hợp tuần tra khu vực quần đảo Natuna, tiến hành liên lạc với tàu thuyền Trung Quốc thông qua radio nhưng không nhận được sự hợp tác.

“Những tàu đánh cá này đang đánh bắt bất hợp pháp. Đây là vùng thuộc quyền chủ quyền của Indonesia. Chúng tôi phải hành động một cách chính xác và thông minh. Chúng tôi muốn thực thi pháp luật, nhưng không muốn làm nóng lên căng thẳng”, chỉ huy Rohadi nói.

Tuần trước, Công ty Hàng không vũ trụ Indonesia (Dirgantara Indonesia) đã trình làng mẫu của máy bay không người lái tầm trung phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự.

Theo SCMP, việc Indonesia giới thiệu máy bay không người lái mới vào đúng ngày Jakarta gửi công hàm ngoại giao phản đối hành động của Trung Quốc tại vùng biển trên đã gây ra những đồn đoán.

Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia vào tuần trước để phản đối chính thức. Indonesia cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền khi đưa tàu hải cảnh hộ tống các tàu cá vào đánh bắt trái phép tại Vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta gần bờ biển thuộc đảo Natuna

Ngày 5-1, quân đội Indonesia nói rằng các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện diện trong khu vực nói trên, bất chấp công hàm phản đối của quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, Jakarta được cho là vẫn cảnh giác trước những động thái của Bắc Kinh liên quan tới vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định lại lập trường rằng, nước này không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông và cũng không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Indonesia và Trung Quốc vẫn có xung đột trước đó về quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna. Năm 2016, Indonesia đã bắt giữ một số ngư dân Trung Quốc hoạt động trái phép tại Natuna

Phát ngôn viên Tổng thống Indonesia, ông Fadjroel Rachman ngày 5-1 cho biết, Tổng thống Indonesia đã chỉ thị giải quyết vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển Natuna của Indonesia một cách cương quyết, đồng thời ưu tiên những nỗ lực ngoại giao hòa bình.

Ông Fadjroel Rachman cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, không có nghĩa là Indonesia không quyết đoán. Tổng thống Indonesia cương quyết không thỏa hiệp trong việc duy trì và bảo vệ chủ quyền của Indonesia.

Ông Charles Honoris, Đảng dân chủ đấu tranh cầm quyền Indonesia cho rằng, bất chấp công hàm phản đối, thái độ của Trung Quốc khi tuyên bố vùng biển Natuna là lãnh thổ của mình cho thấy sự thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc tôn trọng chủ quyền của Indonesia.

Theo nghị sỹ Charles Honoris, việc Trung Quốc viện cớ ngư dân nước này hoạt động ở vùng biển Natuna đã nhiều năm để ra yêu sách chủ quyền tại đây là không được Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 công nhận và đã bị Tòa trọng tài phản đối thông qua phán quyết năm 2016.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cũng tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận Đường 9 đoạn, một yêu sách đơn phương do Trung Quốc đưa ra mà không có sự công nhận hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982

Hải Yến (Theo CNA/SCMP)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/indonesia-dau-tranh-voi-luc-luong-dong-dao-tau-trung-quoc-o-vung-bien-natuna/838960.antd