Indonesia đối đầu Trung Quốc trên biển Đông

Công khai đặt lại tên vùng biển phía Bắc vùng đặc quyền kinh tế của mình trên biển Đông vốn cũng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Indonesia rõ ràng đang thách thức Bắc Kinh - một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Trước khi đặt lại tên một phần của vùng biển trên thành biển Bắc Natuna "để ra vẻ Indonesia" hơn, thể hiện sự bác bỏ trực tiếp yêu sách "đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc, Jakarta hồi năm ngoái đã bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự gần quần đảo Natuna.

Những bước đi đáng chú ý là mở rộng cảng hải quân trên đảo chính cũng như kéo dài đường băng tại căn cứ không quân ở đây để đồn trú các máy bay lớn hơn. "Indonesia đã là một bên tranh chấp và việc nước này càng chấp nhận sớm hiện thực này càng tốt" - ông Ian J. Storey, chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định với báo The New York Times hôm 10-9.

Binh sĩ Indonesia nhảy dù từ máy bay vận tải quân sự Hercules C-130 trong một cuộc tập trận tại căn cứ không quân Ranai trên đảo Natuna Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Indonesia nhảy dù từ máy bay vận tải quân sự Hercules C-130 trong một cuộc tập trận tại căn cứ không quân Ranai trên đảo Natuna Ảnh: REUTERS

Động thái đặt tên nói trên diễn ra hồi tháng 7, có thể xem là bước ngoặt đối với quốc đảo này sau nhiều thập kỷ duy trì chính sách không coi mình là một bên tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, phân tích thực tế quan hệ kinh tế giữa Indonesia với nền kinh tế số 2 thế giới, một số chuyên gia cho rằng Jakarta có thể chỉ đi xa tới đó. Dù vậy, các động thái quân sự cứng rắn ở Natuna cũng chuyển tới Trung Quốc những tín hiệu nhất định.

Trong năm 2016, giữa Indonesia và Trung Quốc đã xảy ra 3 lần va chạm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý ngoài khơi quần đảo Natuna. Sau vụ va chạm thứ 3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tháng 6-2016 phát tuyên bố với nội dung lần đầu tiên khẳng định cái gọi là "đường 9 đoạn" của nước này bao gồm cả ngư trường truyền thống trong EEZ của Indonesia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một chuyến thăm tới Nhật Bản năm 2015 đã nói trong với báo chí rằng "đường 9 đoạn" của Trung Quốc không có bất cứ cơ sở pháp lý nào.

Thu Hằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/indonesia-doi-dau-trung-quoc-tren-bien-dong-20170911221326837.htm