Indonesia đối mặt nguy cơ 'khủng bố gia đình'

Mới đây, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh của Indonesia Wiranto đã bất ngờ bị tấn công bởi một nhóm khủng bố và may mắn thoát chết. Tuy nhiên, sự việc này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an ninh ở quốc gia Đông Nam Á, đồng thời cho thấy Indonesia đang phải đối mặt với nguy cơ 'khủng bố gia đình'.

Vụ tấn công xảy ra khi ông Wiranto có chuyến thị sát tới TP Pandeglang ở tỉnh Banten trên đảo Java. Theo những hình ảnh cảnh sát ghi lại được từ hiện trường và phát trên truyền hình cùng ngày, một đối tượng đã tấn công ông Wiranto đúng lúc ông đang bước lên xe, khiến quan chức này và một cảnh sát địa phương bị thương. Thủ phạm gồm một người đàn ông và một phụ nữ đã bị bắt ngay sau đó. Theo giới chức Indonesia, ông Wiranto đã được điều trị tại BV trong trạng thái ổn định.

Vụ tấn công xảy ra trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia. Người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia Indonesia, ông Budi Gunawan cho biết 2 đối tượng người Indonesia dùng dao đâm Bộ trưởng Wiranto là thành viên của mạng lưới khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD) có liên quan với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thông báo trước báo giới tại thủ đô Jakarta, ông Gunawan nói rằng cơ quan tình báo đã xác định thủ phạm trong vụ tấn công nhằm vào Bộ trưởng Wiranto là thành viên của JAD.

Vợ chồng thủ phạm tấn công Bộ trưởng Wiranto. Ảnh tư liệu

Vợ chồng thủ phạm tấn công Bộ trưởng Wiranto. Ảnh tư liệu

Vụ tấn công bằng kiếm nhằm vào ông Wiranto thực sự là một "cú sốc" và khó dự đoán. Sau vụ bạo lực này, báo Jakarta Post đã cho rằng "nguy cơ khủng bố gia đình đang xảy ra ở Indonesia".

Được biết, vụ tấn công Bộ trưởng Wiranto, do Abu Rara và vợ thực hiện, được coi là vụ khủng bố gia đình vì nó liên quan đến các thành viên của một gia đình. Các nghi phạm liên quan đến nhóm JAD, một chân rết của IS ở Indonesia. Mặc dù thủ lĩnh JAD Aman Abdurrahman đã tuyên bố khủng bố gia đình là một cuộc thánh chiến bị cấm, nhưng rõ ràng Abu Rara và vợ đã tuân theo học thuyết của Chalid Abubakar, thủ lĩnh của nhánh JAD Surabaya, người đã thúc đẩy và thuyết phục Abu Rara thực hiện vụ tấn công. Năm ngoái, tại Surabaya, ba gia đình gồm cả trẻ em đã thực hiện các vụ tấn công liều chết khiến hàng chục người thiệt mạng.

Trong vụ tấn công Bộ trưởng Wiranto, Abu Rara đã không đưa con gái của hắn vào để thực hiện ý đồ của mình. Trước đây, tại Syria và Iraq, IS đã sử dụng phụ nữ trong mạng lưới các nhóm chính thống vào các hoạt động tuyên truyền, tìm kiếm sự ủng hộ tài chính và các hình thức hỗ trợ khác cho các thành viên là nam giới. Tuy nhiên, theo thời gian, IS bắt đầu sử dụng phụ nữ và trẻ em trong chiến tranh. Dần dần, ngày càng có nhiều phụ nữ bị lôi kéo và chọn con đường của IS. Họ sử dụng kiếm, dao để thực hiện các vụ tấn công khủng bố.

Cảnh sát cho biết Abu Rara và vợ nằm trong số 9 nghi phạm khủng bố ở Bekasi, phía Đông Jakarta. Những nghi phạm này thuộc nhóm khủng bố Abu Zee Ghurobah, một nhánh của nhóm phiến quân có liên quan đến JAD. Thủ lĩnh của nhóm này là Fazri Palawan đã bị bắt trong một ngôi nhà thuê ở quận Tambun Sakti, Bekasi, Tây Java hôm 23-9 vừa qua. Ngoài việc là một cuộc tấn công khủng bố gia đình, đáng chú ý là vụ tấn công vào Bộ trưởng Wiranto còn liên quan đến một vũ khí tương đối đơn giản, được xác định là một lưỡi kiếm. Điều này phù hợp với một tuyên bố của Abu Abdullah al Filipin, thủ lĩnh JAD ở Indonesia, kẻ được cho là đang ẩn náu ở Jolo. Các quan chức cấp cao của Indonesia được xác định là mục tiêu theo dõi và có thể bị tấn công bất ngờ bởi các thành viên của nhóm JAD.

Nhà sử học Eric J. Hobsbawm cho rằng những người cảm thấy bị áp bức về ý thức hệ sẽ có hành động kháng cự nguyên thủy bằng cách sử dụng các công cụ đơn giản làm vũ khí. Động cơ thần học của các nhóm khủng bố ở khắp mọi nơi. Abu Rara và vợ rõ ràng đã chuẩn bị kháng chiến nguyên thủy, chỉ với thứ vũ khí đơn giản, phù hợp với hộ gia đình nghèo như họ.

Trong trường hợp này, vụ tấn công khủng bố của Abu Rara và vợ phản ánh hành động của các chiến binh thánh chiến Wahhabi hoạt động trong các nhóm chân rết không dễ bị theo dõi, và thường gây ngạc nhiên cả về phương thức và thời gian tấn công.

Để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố như vậy, Cơ quan Tình báo Indonesia (BIN) và cảnh sát phải liên tục theo dõi các nhóm cực đoan đang di chuyển và đang tìm kiếm những cách thức mới để thực hiện các hành động khủng bố. Cảnh sát và BIN nên tăng cường giám sát và phòng ngừa, và nếu cần thiết sẽ thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vài những kẻ khủng bố bị tình nghi. Điều này rất quan trọng, vì Abu Rara tuy bị theo dõi, nhưng vì hắn có lý lịch sạch sẽ nên không bị bắt trước khi vụ tấn công xảy ra. Chính phủ và xã hội dân sự cũng cần tiếp cận các cảm tình viên của IS, bao gồm hàng trăm người bị trục xuất và trở về từ các trại IS sau thất bại của tổ chức khủng bố cực đoan này ở Iraq và Syria.

Theo báo Jakarta Post, mọi biện pháp phải được tận dụng, ít nhất là để hạn chế các gia đình tham gia phong trào của những kẻ khủng bố và các nhóm cực đoan, vốn đang tìm cách tuyển mộ thêm tân binh đặc biệt là trong số những người bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương. Sau vụ tấn công Bộ trưởng Wiranto, những đối tượng đang bị tình nghi phải được theo dõi chặt chẽ vì rất có thể chúng đang lôi kéo các gia đình tham gia các hành động khủng bố theo kiểu gia đình.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/indonesia-doi-mat-nguy-co-khung-bo-gia-dinh-167168.html