Indonesia: Giải pháp đánh thuế phù hợp cho nền kinh tế số

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết nhận định nền kinh tế kỹ thuật số đã phát triển nhanh chóng ở Indonesia trong nhiều năm qua, nhưng đóng góp của nó cho đất nước vẫn không đáng kể.

Biểu tượng của tập đoàn bán lẻ trên mạng Amazon. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng của tập đoàn bán lẻ trên mạng Amazon. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết nhận định nền kinh tế kỹ thuật số đã phát triển nhanh chóng ở Indonesia trong nhiều năm qua, nhưng đóng góp của nó cho đất nước vẫn không đáng kể.

Sở hữu dân số lớn thứ tư trên thế giới, Indonesia là một thị trường lớn cho hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số. Theo ước tính của hãng nghiên cứu Temasek, trong năm 2018, thị trường thương mại điện tử của Indonesia đứng ở mức 12,2 tỷ USD và thị trường truyền thông kỹ thuật số được định giá 2,7 tỷ USD.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ vô hình của các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Indonesia là khoảng 93.000 tỷ rupiah (tương đương 6,6 tỷ USD) trong năm 2018, song đóng góp của những hoạt động này vào doanh thu thuế quốc gia là không đáng kể.
Một trong những nguyên nhân chính là do thực tế hiện nay, theo các nguyên tắc thuế hiện hành, Chính phủ không có quyền đánh thuế các doanh nghiệp nước ngoài nếu họ không có sự hiện diện hay còn gọi là cơ sở thường trú (PE), trong phạm vi địa lý của quốc gia bán hàng.
Hiện nay, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đại diện cho 120 quốc gia vẫn đang nỗ lực giải quyết các thách thức về thuế của xu hướng kinh tế kỹ thuật số song vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tổ chức này sẽ sớm đạt được sự đồng thuận cho đến khi công bố báo cáo cuối cùng vào năm 2020.
Một số quốc gia đã áp dụng các chính sách thuế đối với hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số từ nước ngoài. Điển hình là Ấn Độ với thuế Levy Equalization được triển khai vào năm 2016 và Pháp với Thuế dịch vụ kỹ thuật số vào năm 2019.
Ngoài ra, các biện pháp khác bao gồm sửa đổi nguyên tắc PE trong pháp luật nội bộ. Vào tháng 6/2019, tại Osaka, Nhật Bản, các Bộ trưởng tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện kinh tế hơn là thực tế trong việc quyết định chính sách thuế đối với các công ty công nghệ.
Các khuyến nghị từ cuộc họp Osaka đã truyền cảm hứng cho Indonesia. Kết quả là đến đầu tháng 9/2019, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu soạn thảo một dự luật cho phép nước này nhận thuế từ các công ty công nghệ kỹ thuật số nước ngoài, sử dụng khái niệm về ý nghĩa của sự hiện diện kinh tế (SEP). Với khái niệm này, thuế thu nhập sẽ được tính dựa trên doanh số bán hàng hóa và dịch vụ tại những quốc gia không có PE.
OECD đã đề cập rằng sự hiện diện kinh tế có thể được xác định bởi một số yếu tố: Thứ nhất, doanh thu được tạo ra trên cơ sở bền vững từ thẩm quyền khu vực. Thứ hai, nền tảng kỹ thuật số, chẳng hạn như nền tảng kỹ thuật số địa phương, tên miền địa phương hoặc tùy chọn thanh toán địa phương. Thứ ba, các yếu tố dựa trên người dùng, chẳng hạn như người dùng tích cực, kết thúc hợp đồng trực tuyến và dữ liệu được thu thập.
Bằng cách áp dụng phương pháp này, Indonesia đã có một bước nhảy vọt trong chính sách thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số và tạo ra một sân chơi bình đẳng. Một khi các tiêu chí của sự hiện diện kinh tế quan trọng được đáp ứng, một doanh nghiệp nước ngoài sẽ được coi là tồn tại ở Indonesia. Vì vậy, họ có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập giống như các công ty địa phương.
Sáng kiến SEP đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel (năm 2016), Slovakia (2017) và Ấn Độ (2018). Liên minh châu Âu (EU) cũng đề xuất một cách tiếp cận SEP tương tự vào năm 2018. Tuy nhiên, sáng kiến này cũng mang lại một vài thách thức mà Jakarta cần tính tới.
Thách thức đầu tiên liên quan đến việc sửa đổi lại các hiệp ước thuế hiện có. Indonesia hiện có 68 hiệp ước thuế quy định về PE, với khái niệm hiện diện thực tế theo cách truyền thống. Mặc dù SEP đã được hình thành, nhưng Indonesia sẽ không thể áp dụng khái niệm này nếu công ty nằm trong các đối tác hiệp ước thuế.
Việc sửa đổi các hiệp ước thuế hiện hành là cần thiết để áp dụng đầy đủ SEP. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có sự thỏa thuận của cả hai bên cho mỗi hiệp ước và có thể là thêm nhiều vòng đàm phán song phương đáng kể. Cách tiếp cận dễ dàng hơn để sửa đổi tất cả các hiệp ước là thông qua một thỏa thuận đa phương, song điều này rất khó xảy ra, trừ khi có sự đồng thuận toàn cầu được thông qua để áp dụng phương pháp SEP.
Thách thức thứ hai, khi áp dụng SEP, Chính phủ cần đưa ra một khái niệm rõ ràng về sự hiện diện kinh tế. Cách tiếp cận tổng doanh thu có thể không đủ để là bằng chứng cho thấy người không cư trú phải chịu thuế thu nhập. Do đó, để xác định sự hiện diện kinh tế, các yếu tố doanh thu nên được kết hợp với một số yếu tố khác. Ví dụ, các yếu tố dựa trên kỹ thuật số và người dùng cho thấy sự tương tác có mục đích và bền vững với nền kinh tế của quốc gia liên quan.
Chính phủ cần phải thận trọng trong việc đưa ra khái niệm này. Một khái niệm chặt chẽ có thể mang lại sự chính xác, nhưng cũng sẽ dẫn đến gánh nặng cho các doanh nghiệp và nguồn tài chính khi thực thi chính sách thuế.
Thứ ba là những thách thức về quá trình thực thi và các vấn đề hành chính. Chi phí cho cả doanh nghiệp và chính phủ nên được giữ ở mức tối thiểu. Để giải quyết tình huống này, một ngưỡng tối thiểu nhất định phải được đặt ra để xác định từ thời điểm nào thì sự hiện diện kinh tế là có ý nghĩa.
Cuối cùng, từ góc độ chính phủ, việc thực thi SEP có thể là thách thức. Chính phủ cần có khả năng xác định và đo lường các hoạt động bán hàng từ xa của doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, ứng dụng SEP yêu cầu một hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến trong thu thập và thực thi. Do đó, Bộ Tài chính nên sẵn sàng cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và hợp tác với các Bộ ngành khác khác như Bộ Thông tin và Truyền thông./.

Đình Ánh (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/indonesia-giai-phap-danh-thue-phu-hop-cho-nen-kinh-te-so/134875.html