Indonesia nỗ lực khôi phục các chương trình tiêm chủng cho trẻ

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đang tìm cách cải thiện tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế trong đại dịch COVID-19 và tâm lý e ngại của phụ huynh.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy tỷ lệ bao phủ các loại vaccine cơ bản đã giảm 9,5% trong 2 năm qua, từ mức 93,7% vào năm 2019 xuống còn 84,2% vào năm 2021. Sự sụt giảm ghi nhận nhiều nhất ở các nhóm tiêm chủng phòng bại liệt, rubella và sởi, cũng như vaccine DPT-HB-Hib ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não. Cụ thể, từ năm 2019 đến năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng phòng bại liệt đã giảm từ mức 94,7% xuống còn 79,8%; tỷ lệ tiêm ngừa DPT-HB-Hib giảm từ 96,5% xuống 79,7%, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa sởi và rubella cho trẻ dưới 2 tuổi giảm từ 70% xuống còn 58,5%.

Quyền Cục trưởng Quản lý tiêm chủng thuộc Bộ Y tế Indonesia Prima Yosephine cho biết ít nhất 1,7 triệu trẻ em ở Indonesia đã không hoàn thành các đợt tiêm chủng cơ bản trong khoảng thời gian từ năm 2019-2021. Sự sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em trong đại dịch COVID-19 đã dẫn đến một số đợt bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine tại một số tỉnh thành như bệnh bạch hầu ở tỉnh Tây Kalimantan; bệnh sởi ở tỉnh Aceh; bệnh bạch hầu, sởi và rubella tại tỉnh Nam Sulawesi…

Bộ Y tế Indonesia ghi nhận 153 ca mắc bệnh bạch hầu trên cả nước từ tháng 1-11/2021; 367 ca mắc bệnh sởi và 271 ca mắc rubella từ đầu năm nay.

Theo bà Prima, Bộ Y tế đang tìm cách thu hẹp khoảng cách tiêm chủng do đại dịch COVID-19 gây ra và đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 1,7 triệu trẻ em chưa được tiêm vaccine định kỳ. Bộ sẽ phát động chiến dịch tiêm chủng mang tên “Tháng tiêm chủng quốc gia cho trẻ em (BIAN)” vào tháng 5-6 tới. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các trường học, bệnh viện, phòng khám tư nhân, trạm dịch vụ y tế tổng hợp và trung tâm y tế cộng đồng trên toàn quốc để tiêm một liều vaccine phòng sởi và rubella cho mọi trẻ em dưới 15 tuổi.

Ngoài ra, các cơ quan y tế cũng sẽ theo dõi và tiến hành tiêm chủng cho trẻ em từ 1-5 tuổi đã bỏ lỡ lịch tiêm vaccine phòng bại liệt và DTP-HB-Hib. Để hỗ trợ cho chiến dịch trên, Bộ sẽ thành lập các trung tâm y tế cộng đồng lưu động ở các vùng sâu, vùng xa và đào tạo các nhân viên tiêm chủng để họ có thể tiêm nhiều loại vaccine cho trẻ em.

Cũng theo bà Prima, bắt đầu từ tháng 6 tới, Bộ Y tế Indonesia sẽ đưa 2 loại vaccine mới – gồm vaccine PCV ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi và nhiễm trùng xoang, và vaccine Rota ngừa bệnh tiêu chảy cấp - vào chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em, nâng tổng số vaccine cơ bản lên 14 loại. Mới đây, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết 2 loại vaccine mới nói trên nhằm mục đích ngăn ngừa tái phát tiêu chảy cấp và viêm phổi - hai yếu tố chính gây thấp còi và suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Bộ Y tế Indonesia cũng đang lên kế hoạch phát triển cơ sở dữ liệu để dễ dàng giám sát và theo dõi tình trạng tiêm chủng ở trẻ em; đồng thời sẽ phát triển một ứng dụng điện thoại cho phép các bố mẹ theo dõi tình trạng tiêm chủng của các con.

Hữu Chiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/indonesia-no-luc-khoi-phuc-cac-chuong-trinh-tiem-chung-cho-tre-20220414114159096.htm