Indonesia phá mây để ngăn mưa và áp dụng phần mềm cảnh báo lụt

Nhà chức trách Indonesia ngày 3-1 thông báo sẽ tạo mưa tại khu vực eo biển Sunda để ngăn chặn các đám mây gây mưa tại thủ đô Jakarta trong bối cảnh thủ đô Jakarta và các thành phố vệ tinh đang phải chịu đợt lũ lụt và lở đất lớn do mưa lớn cực đoan gây ra trong những ngày qua.

Mưa lớn khiến nước lũ dâng cao tràn bờ sông Ciliwung gây lụt lội trên diện rộng ở Jakarta (Ảnh: Jakarta Post)

Mưa lớn khiến nước lũ dâng cao tràn bờ sông Ciliwung gây lụt lội trên diện rộng ở Jakarta (Ảnh: Jakarta Post)

NDĐT – Nhà chức trách Indonesia ngày 3-1 thông báo sẽ tạo mưa tại khu vực eo biển Sunda để ngăn chặn các đám mây gây mưa tại thủ đô Jakarta trong bối cảnh thủ đô Jakarta và các thành phố vệ tinh đang phải chịu đợt lũ lụt và lở đất lớn do mưa lớn cực đoan gây ra trong những ngày qua.

Thông cáo của Trung tâm công nghệ Indonesia BPPT cho biết, tất cả các đám mây ở eo biển Sunda đều di chuyển vào khu vực Jakarta. Trung tâm đã triển khai hai máy bay nhỏ đã chuẩn bị phá vỡ các đám mây có khả năng gây mưa trên bầu trời ở eo biển Sunda bằng cách bắn các hạt NaCl để các đám mây đổ mưa ngoài khu vực Jakarta. Trong khi đó một máy bay lớn hơn sẽ hỗ trợ hai máy bay nhỏ phá mây.

Indonesia vẫn sử dụng cách bắn các hạt vào các đám mây để tạo mưa trong hoạt động dập lửa cháy rừng vào mùa khô ở nước này.

Số liệu thống kê của Bộ các vấn đề Xã hội, Bộ Y tế và Trung tâm Giảm thiểu thảm họa quốc gia cho thấy tính đến 9 giờ sáng nay, đã có 43 người thiệt mạng trong đợt mưa lớn cực đoan từ tối ngày 31-12-2019 gây ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất ở Jakarta và khu vực chung quanh. Tính đến 10 giờ sáng, 409.840 người ở 15 khu vực ở Jakarta phải sơ tán vì nước lũ.

Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý quốc gia Indoensia (BMKG) thông báo, thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục tới 7-1, mưa lớn có thể kéo dài đến giữa tháng 2. Theo BMKG, đây là đợt mưa lớn cực đoan nhất xảy ra Jakarta kể từ năm 1866.

Một số khu vực ở Jakarta vẫn bị ngập trong nước lũ. Chính quyền đã sử dụng hàng trăm máy bơm nước để hút nước ở các khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng công cộng như đường sắt.

Cũng trong ngày hôm nay, cư dân Jakarta có thể cập nhật được tình hình lụt lội trên bản đồ điện tử tương tác ở trang PetaBencana.id. Trang web này do Trung tâm Giảm thiểu thảm họa quốc gia, Trung tâm thảm họa Thái Bình dương và Nhóm bản đồ mở Humanitarian phát triển.

Trang thông tin này cập nhật các khu vực lụt lội ở mức báo động cao, các khu vực an toàn. Thông tin sẽ được hiện thị cụ thể về vị trí, mực nước và tình trạng thay đổi theo giờ. Theo đó, các khu vực báo động sẽ có màu đỏ, màu vàng cho khu vực có báo động thấp và màu xanh lá cây nghĩa là mọi người cần chuẩn bị cho đợt lụt mới.

Trang thông tin này cũng sẽ cập nhật tình hình lũ lụt tại các thành phố khác như Surabaya, Bandung và Semarang.

Trang thông tin này cũng sẽ kết hợp với các mạng xã hội để người dân tiện theo dõi, ứng phó với tình hình thực tế.

N.T

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/42802902-indonesia-pha-may-de-ngan-mua-va-ap-dung-phan-mem-canh-bao-lut.html