Indonesia ra cảnh báo đúng dịp quá khứ đen tối

Giới chức Indonesia hôm 26-12 cảnh báo 'thủy triều cao và thời tiết cực đoan' có thể khiến núi lửa Anak Krakatau tiếp tục sạt lở và gây ra sóng thần.

Đáng chú ý, vào ngày 26-12-2004, một trận động đất mạnh đã tạo ra sóng thần khủng khiếp từ Ấn Độ Dương ập vào nhiều vùng bờ biển, khiến 226.000 người thuộc 14 quốc gia thiệt mạng (bao gồm hơn 120.000 nạn nhân ở Indonesia).

Người đứng đầu Cơ quan Địa chất Indonesia, ông Rudi Suhendar, nói với báo Straits Times rằng từ 12-18 giờ ngày 25-12 (giờ địa phương), hệ thống giám sát đã phát hiện những chấn động và tiếng nổ lớn phát ra từ Anak Krakatau. Cùng với mưa to và sóng lớn, những chấn động này có thể khiến miệng núi lửa Anak Krakatau tiếp tục sạt lở và gây ra một trận sóng thần khác.

Tính đến nay, đã có 429 người thiệt mạng, ít nhất 154 người mất tích và hơn 1.400 người bị thương sau khi Anak Krakatau phun trào, tạo thành sóng thần tấn công bờ biển dọc eo biển Sunda vào tối 22-12. Theo báo Straits Times, sự phun trào này khiến một phần miệng núi lửa sạt lở và rơi xuống biển, tạo ra các đợt sóng cao 3-5 m ập vào đảo Java và Sumatra.

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân ở thị trấn Sumur, tỉnh Banten – Indonesia hôm 26-12 Ảnh: REUTERS

Trong cuộc họp báo đêm 25-12 (giờ địa phương), bà Dwikorita Karnawati - người đứng đầu Cơ quan Khí tượng Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) - cho biết họ đã phát triển hệ thống riêng để giám sát những chấn động ở núi lửa Anak Krakatau với hy vọng đưa ra cảnh báo sớm.

Theo bà Dwikorita, một vùng cấm 2 km đã được thiết lập và người dân được kêu gọi tránh xa bờ biển trên eo biển Sunda từ 0,5-1 km.

Theo Reuters, đến ngày 26-12, lực lượng cứu hộ Indonesia vẫn chưa thể tiếp cận một số khu vực ở đường bờ biển phía Tây của Java do thời tiết xấu. Tình trạng khẩn cấp được ban bố đến ngày 4-1-2019 để tạo điều kiện cứu trợ.

Các nhóm cứu hộ đang tập trung vào thị trấn Sumur, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, đường sá đã bị hư hại gây tắc nghẽn, buộc giới chức triển khai trực thăng để sơ tán người dân.

Trên quần đảo Sebesi nằm giữa eo biển Sunda, trực thăng cũng được triển khai để sơ tán người dân. Dọc bờ biển trên eo biển Sunda, hàng ngàn người đang ở trong những túp lều và chỗ trú ẩn tạm thời, như trường học và nhà thờ. Gạo và mì ăn liền được vận chuyển đến những nơi này nhưng nước sạch, quần áo, mền... vẫn còn thiếu thốn.

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/indonesia-ra-canh-bao-dung-dip-qua-khu-den-toi-20181226214053096.htm