Indonesia: Thảm họa thiên nhiên gia tăng bất thường

Chỉ trong chưa đầy năm tháng cuối năm, đất nước Indonesia liên tiếp hứng chịu các thảm họa thiên nhiên động đất và sóng thần cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và để lại thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Banten sau cơn sóng thần bất ngờ (ảnh: Antara)

Banten sau cơn sóng thần bất ngờ (ảnh: Antara)

Theo thống kê lúc 4 giờ chiều 23-12 của Cơ quan giảm thiểu thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB), số người thiệt mạng của trận sóng thần ập vào các khu vực bờ biển quanh Eo biển Sunda tối 22-12 đã lên tới 222 người, 28 người mất tích và hơn 843 người bị thương. Hàng nghìn người bị mất nhà cửa. Những người sống sót vẫn chưa dám trở về nhà, phải tránh trú ở những khu vực cao đề phòng sóng thần có thể xảy ra bất ngờ.

BNPB cho biết không có người nước ngoài nào trong số các nạn nhân, tất cả đều là người Indonesia.

Ngoài thiệt hại về người dự tính sẽ còn tăng cao trong những ngày tới, tính toán thiệt hại vật chất ban đầu ghi nhận 446 căn nhà dân, chín khách sạn, 60 cửa hiệu bị hư hại, đổ sập; 350 tàu và thuyền bị hỏng hóc cùng 73 phương tiện đi lại bị hỏng nặng. Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy khu vực ven biển Banten, Lampung chỉ còn là những khu nhà đổ sập, tan hoang.

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua tìm kiếm những người bị chôn vùi trong đống đổ nát ở Lampung (ảnh: Antara)

Từ điểm vận động tranh cử ở Banggai, Trung Sulawesi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bày tỏ chia buồn tới nạn nhân và gia đình; kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và cảnh giác, không bị hoảng loạn bởi các cảnh báo giả; đồng thời chỉ đạo các lực lượng cứu hộ thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để tìm kiếm các nạn nhân, sơ tán người dân đến những nơi an toàn.

Tổng thống Jokowi cũng cam kết sẽ thay thế các thiết bị cảnh báo sóng thần bị hư hại. “Thực tế, tôi đã chỉ đạo kiểm tra tất cả các thiết bị và thay thế những thiết bị hỏng hóc. Trong năm tài chính mới 2019, tôi sẽ yêu cầu thay thế tất cả các thiết bị hư hỏng và cũ, không thể sử dụng”, Tổng thống Jokowi nói.

Thiếu hệ thống cảnh báo sóng thần

Cho đến nay, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa chất Indonesia (BMKG) vẫn đang xác định nguyên nhân của trận sóng thần này. Nhiều khả năng trận sóng thần hình thành do các trận lở đất dưới lòng biển từ hoạt động của núi lửa “Đứa con của Krakatau” kết hợp với sóng thủy triều cao bất thường vào ngày trăng tròn.

Núi lửa “Đứa con của Krakatau” phun cột khói cao 1.500m lên trời lúc 17 giờ 22 phút ngày 22-12 (ảnh: Antara)

Tuy nhiên, sau khi trận sóng thần bất ngờ xảy ra, cơ quan chức năng Indonesia mới thừa nhận nước này chưa có bất kỳ hệ thống cảnh báo sớm sóng thần gây ra bởi các trận động đất.

Người phát ngôn BNPB Sutopo Nugroho cho hay, không có bất kỳ cảnh báo nào về trận sóng thần ở Eo biển Sunda bởi vì Indonesia chưa có một hệ thống cảnh báo sớm các trận sóng thần gây ra bởi lở đất hay núi lửa dưới đáy biển.

Trả lời báo giới, ông Sutopo nói rằng “Chúng sẽ xem xét phát triển công nghệ này sớm nhất có thể”.

Núi lửa hoạt động bất thường

Nằm trên Vành đai lửa của Thái Bình Dương, hàng năm Indonesia hứng chịu từ 5.000 đến 6.000 trận động đất lớn, nhỏ do hoạt động đứt gãy của vỏ trái đất và khiến các núi lửa hoạt động mạnh. Năm 2018 được ghi nhận là năm núi lửa hoạt động mạnh bất thường tại Indonesia.

Hôm 19-12, Trung tâm giảm thiểu rủi ro núi lửa và địa chất (PVMBG) Indonesia thông báo có hơn 20 núi lửa hoạt động mạnh trên mức bình thường trong năm nay. Trong đó có hai ngọn núi lửa hoạt động ở mức nguy hiểm, hai ngọn núi ở mức theo dõi chặt chẽ và 17 ngọn núi ở mức cảnh báo cẩn trọng. Trong số đó có rất nhiều ngọn núi là nơi thu hút khách du lịch như núi Agung (Bali), núi Bromo (Đông Java), Sinabung (Bắc Sumatra). PVMBG khuyến cáo người dân và du khách tránh tới các khu vực núi lửa hoạt động mạnh trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới.

Liên tiếp trong cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2018, hòn đảo du lịch Lombok phải hứng chịu ba trận động đất mạnh khiến hơn 500 người thiệt mạng. Hôm 28-9, thành phố Palu,ven biển đảo Sulawesi tiếp tục gánh chịu hai thảm họa kép động đất và sóng thần, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người. Hậu quả của động đất và sóng thần ở những khu vực này đến nay vẫn chưa thể khắc phục.

NGUYỄN TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/38671502-indonesia-tham-hoa-thien-nhien-gia-tang-bat-thuong.html