Indonesia thúc đẩy dự án dời thủ đô

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang thúc đẩy dự án xây dựng thủ đô mới mang tên Nusantara nhằm thay thế thủ đô hiện nay là Jakarta, bởi thành phố này tắc nghẽn, ô nhiễm, dễ xảy ra động đất và có 40% diện tích chìm dưới mực nước biển.

Khoảng 40% diện tích thủ đô Jakarta hiện nằm dưới mực nước biển. Ảnh: NYT

Khoảng 40% diện tích thủ đô Jakarta hiện nằm dưới mực nước biển. Ảnh: NYT

Trước khi trở thành Tổng thống của quốc gia đông dân thứ tư thế giới, ông Joko Widodo làm Thống đốc Jakarta 2 năm. Kể từ khi Indonesia giành độc lập vào năm 1945 đến nay, dân số ở vùng siêu đô thị Jakarta tăng dần, từ gần 1 triệu người lên đến 30 triệu người. Những tòa nhà chọc trời mọc lên, nhưng thủ đô đã hết chỗ. Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, gây tổn thất mỗi năm lên tới 65.000 tỷ rupiah (gần 4,7 tỷ USD).

Không những thế, do địa thế thấp cùng tác động của biến đổi khí hậu, đất sụt lún nên thủ đô đang chìm dần dưới mực nước biển, trung bình 18cm mỗi năm. Theo báo New York Times, khoảng 40% diện tích Jakarta hiện nằm dưới mực nước biển.

Siêu dự án 30 tỷ USD

Xuất thân từ tầng lớp bình dân, ông Widodo (còn được gọi là Jokowi) luôn quan tâm giải quyết các vấn đề như: lũ lụt, ùn tắc giao thông, các con sông ô nhiễm, nhà ở cho người nghèo… Ông hiểu người dân không muốn lo lắng về không khí mà họ hít thở, tình trạng nước tràn vào nhà, sụt lún đất, hay “cơn ác mộng” ùn tắc giao thông.

Khi giữ cương vị Tổng thống, ông Widodo nhận ra tình hình tại Jakarta không thể cứu vãn và chỉ có phương án “làm lại từ đầu” - bắt đầu lại với một thành phố bền vững. Ông chính thức công bố ý định dời đô trong bài phát biểu ngày 16-8-2019, hồi sinh ý tưởng của các vị tổng thống tiền nhiệm. Hai khu vực hành chính Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara (thuộc tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo) được chọn là địa điểm đặt thủ đô mới, cách Jakarta khoảng 1.000km. Thủ đô mới mang tên Nusantara (nghĩa là “quần đảo” theo tiếng Java cổ) sẽ đóng vai trò trung tâm hành chính, còn Jakarta vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính của Indonesia.

Dự án dời đô mang dấu ấn của Tổng thống Widodo. Quá trình xây dựng được bắt đầu từ giữa năm 2022. Toàn bộ dự án đang được gấp rút thực hiện khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Widodo sắp kết thúc vào năm 2024. Rõ ràng ông không còn nhiều thời gian để thực hiện tham vọng có tên trong sử sách với tư cách là nhà lãnh đạo tạo ra thủ đô mới cho Indonesia.

Ước tính dự án di dời có chi phí 30 tỷ USD; trong đó chính phủ chi 20%, phần còn lại từ lĩnh vực tư nhân và các nguồn khác. Tổng thống Widodo muốn hoàn thành dự án vào năm 2045 và Nusantara (với tên viết tắt là I.K.N) sẽ là thành phố xanh, thông minh, trung tâm công nghệ tài chính hàng đầu khu vực, thành phố công nghệ cao thu hút thế hệ trẻ, đặc biệt là “dân du mục kỹ thuật số” từ khắp thế giới tới sinh sống. Ở Jakarta, 16% dân số sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhưng con số này sẽ là 80% ở Nusantara. “Chúng tôi muốn xây dựng một Indonesia mới. Đây không đơn giản là di chuyển các tòa nhà từ nơi này đến nơi khác. Chúng tôi muốn cách làm việc mới, tư duy mới và nền kinh tế xanh mới”, ông Widodo nói.

Không thể hoàn thành một sớm một chiều

Những gì mà Indonesia đang đối mặt như tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, ngập lụt và ô nhiễm không khí…, cũng là vấn đề nan giải ở nhiều nước khác. Trong đó, nỗi lo lớn nhất là ngập lụt. Các nhà nghiên cứu của Học viện Công nghệ Bandung (Indonesia) dự báo, với tốc độ sụt lún như hiện tại thì đến năm 2050, 95% diện tích thành phố sẽ chìm dưới mực nước biển.

Dưới thời thuộc địa, các thành phố thủ phủ - như Jakarta - thường đóng vai trò “tiền đồn” của chính quốc. Khi các quốc gia giành độc lập, họ thường tận dụng địa điểm này để xây dựng các thành phố hiện đại. Theo tính toán của Liên hợp quốc, trong quá trình phát triển, các thành phố phải đối mặt với thách thức kép: Dân số tăng nhanh và biến đổi khí hậu. Khi đó, dời đô để “làm lại từ đầu” được coi là giải pháp hợp lý.

GS. Deden Rukmana về quy hoạch đô thị tại Đại học Alabama A&M (Mỹ) nhấn mạnh: “Chúng ta có thể chứng minh chúng ta có thể làm được, chúng ta có thể trở thành hình mẫu toàn cầu trong việc xây dựng một thủ đô mới thúc đẩy sự bền vững và tăng trưởng”. “I.K.N không chỉ được xây dựng cho người dân Indonesia mà còn cho cả thế giới. Đó là lý do mà dự án này phải thành công”, GS. Deden nói thêm.

Tuy nhiên, bà Emi sống ở khu Pluit trông ra biển Java, không thể tin rằng thủ đô sẽ được rời khỏi Jakarta. “Khi tôi lớn lên, đất còn cao hơn biển. Giờ đây, biển đã cao hơn đất. Tôi không nghĩ đây là điều tự nhiên”, bà Emi nói. Song, bà cho rằng, Jakarta là thủ đô, chứ không phải là một thành phố lớn. “Cái chỗ ở Borneo kia thậm chí không phải một ngôi làng, mà một ngôi làng cũng không nên là thủ đô của Indonesia”, bà Emi bày tỏ quan điểm.

Hơn nữa, Indonesia là quốc gia của hàng trăm ngôn ngữ và nhóm sắc tộc. Nước này cũng là một nền dân chủ thế tục với số lượng người Hồi giáo lớn nhất thế giới, một thiểu số Cơ đốc giáo khá lớn và một số tín ngưỡng chính thức khác. Vì vậy, việc dời đô vừa là thách thức, vừa là cơ hội để tái tạo. Ông Widodo bị chỉ trích là vội vàng thông qua luật dời đô, nhất là khi việc tìm kiếm nguồn tài trợ gặp khó khăn, tình trạng tham nhũng và những chất vấn của phe đối lập “phủ bóng” xuống siêu dự án. Bên cạnh đó, dời đô không thể thay đổi thực tế rằng hàng chục triệu người vẫn phải sống ở thành phố Jakarta chật chội và nhiều người dân trên đảo Borneo không muốn thủ đô chuyển về đó.

Giải pháp cho một siêu đô thị đang chìm dần đang được thúc đẩy. Ông Bambang Susantono - lãnh đạo cơ quan phụ trách dự án Nusantara cho rằng, việc xây dựng một thành phố không thể hoàn thành một sớm một chiều. “Đây không phải Aladdin và cây đèn thần”, ông Susantono nói.

KHÁNH LINH (theo New York Times, ABC News)

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202305/indonesia-thuc-day-du-an-doi-thu-do-3945579/