Indonesia trải qua Chủ nhật tang thương, Venezuela 'nóng' sau vụ ám sát hụt Tổng thống

Indonesia vừa trải qua một ngày Chủ nhật tang thương sau vụ động đất kinh hoàng xảy ra ở đảo Lombok khiến hơn 80 người thiệt mạng. Trong khi đó, giới chức Venezuela tuyên bố đã bắt được 6 nghi phạm trong vụ ám sát hụt nhằm vào Tổng thống Maduro.

Ngày Chủ nhật đẫm máu ở Indonesia

Ít nhất 82 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương cùng hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại sau trận động đất mạnh 6,9 độ Richter xảy ra tối 5-8 trên đảo Lombok, Đông Nam Indonesia. Đây được xem là một trong những thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất thập kỷ qua tại quốc gia vạn đảo ở Đông Nam Á.

Trận động đất đã khiến hơn 80 người Indonesia thiệt mạng. Ảnh: UITN

Theo Reuters, phần lớn nạn nhân thiệt mạng do nhà sập ở vùng núi phía Bắc và phía Tây đảo Lombok. Các bệnh viện ở Lombok và Bali đã hoạt động suốt đêm để cứu chữa cho các nạn nhân. Do lo ngại động đất tiếp diễn gây sập đổ nhà cửa, bệnh viện phải để bệnh nhân ở khu vực ngoài trời để đảm bảo an toàn.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết tâm chấn nằm cách mặt đất 10,5 km. Ít nhất hai trận động đất nhỏ hơn và khoảng 100 dư chấn cũng xảy ra sau đó.

Hiện tại, một chiến dịch cứu hộ quy mô lớn đang được tiến hành để đưa các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát cũng như tìm kiếm những người mất tích.

Tổng thống Venezuela bị ám sát hụt

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã may mắn thoát nạn trong một vụ ám sát bằng thiết bị bay không ngươi lái (UAV) nhằm vào ông xảy ra hôm 5-8 do nhóm đối lập Flannel Soldiers ở nước này thực hiện.

Khi ông Maduro đang phát biểu chào mừng ngày thành lập quân đội, một tiếng nổ đột ngột vang lên khiến tất cả mọi người ngước nhìn lên trời. Tổng thống Maduro đã dừng bài phát biểu còn dang dở, trong khi cận vệ của ông Maduro lập tức triển khai lá chắn để bảo vệ Tổng thống.

Khoảnh khắc quả bom nhằm vào ông Maduro phát nổ. Video: Youtube

Cảnh sát Venezuela xác nhận có tổng cộng 3 UAV tham gia vào âm mưu ám sát. Một UAV đã phát nổ ngay trước bục phát biểu của Maduro, chiếc thứ hai phát nổ bên phải bục và chiếc thứ ba phát nổ gần một tòa nhà ở phía Nam của lễ đài.

Nhiều nước đã lên án vụ tấn công, trong khi Colombia và Mỹ khẳng định không liên quan đến âm mưu. Giới chức địa phương xác nhận 6 nghi can đã bị bắt giữ để điều tra.

Con tin Nhật, Italy bị khủng bố Syria bắt cóc

SITE Intelligence Group, một nhóm chuyên theo dõi hoạt động truyền thông của các tổ chức khủng bố, ngày 31-7 đã công bố 2 video quay cảnh 2 tù nhân Nhật Bản và Italy mặc đồ màu cam, quỳ gối trước một bức tường và khẩn cầu được thả tự do. Sau lưng họ là hai người đàn ông vũ trang mặc đồ màu đen, nghi thuộc nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nursa.

Hai con tin xuất hiện trong các đoạn video. Ảnh: SITE

Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng các đoạn video về tù nhân, bị khủng bố ở Syria bắt giữ, xuất hiện. Các nạn nhân được cho là đã bị bắt cóc tại phía Bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 và 2016. Hiện chưa rõ các đoạn video được ghi lại khi nào, song khả năng cao nó đã được ghi lại tại tỉnh Idlib của Syria.

Đoạn video xuất hiện trong bối cảnh quân đội Chính phủ Syria liên tiếp giành được lợi thế trên chiến trường Nam và Tây Nam đất nước, còn các nhóm phiến quân cố thủ ở tỉnh Idlib giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-8 đã bắt tay nhau thành lập một nhóm vũ trang mới có tên Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) để chống lại các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các nhà quan sát cho biết sự liên thủ của các tay súng phiến quân cùng các hoạt động khó lường của khủng bố ở Idlib cho thấy các chiến dịch giành lại vùng lãnh thổ sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ của Syria sẽ vấp phải không ít khó khăn.

"Đỏ lửa" căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang nhanh chóng trong tuần vừa rồi, khi Mỹ ngày 2-8 đe dọa tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 4-8 đã bổ sung 44 công ty và tổ chức Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, gồm nhiều công ty quốc doanh có khả năng phát triển công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực quân sự.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Trung Quốc nhấn mạnh nước này sẽ sớm công bố các biện pháp trả đũa tương xứng. Reuters dẫn các nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay Bắc Kinh và Washington vẫn bế tắc trong đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại, dấy lên nghi ngại các động thái "ăn miếng, trả miếng" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu.

Zimbabwe chia rẽ sau bầu cử

Ngày 3-8, Ủy ban bầu cử Zimbabwe chính thức công bố ông Emmerson Mnangagwa, lãnh đạo đảng cầm quyền ZANU-PF, giành chiến thắng với 50,8% phiếu bầu trước đối thủ Nelson Chamisa. Ông Chamisa, thuộc đảng Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC), giành được 44,3% phiếu bầu.

Một người biểu tình hậu bầu cử ở Harare, Zimbabwe. Ảnh: Reuters

Nhiều người hi vọng cuộc bầu cử vừa diễn ra ở Zimbabwe sẽ đưa quốc gia châu Phi này ra khỏi tình trạng bi đát hiện nay, song, các cuộc bạo lực nổ ra sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố lại khiến người ta nghi ngại một cuộc khủng hoảng chính trị mới sẽ nổ ra tại quốc gia nghèo đói bậc nhất thế giới.

Trong suốt những ngày vừa qua, nhiều người ủng hộ MDC đã kéo xuống đường phố ở thủ đô Harare để phản đối kết quả kiểm phiếu. Đoàn người biểu tình đã đốt lốp xe và đập phá, kéo theo đó là sự can thiệp của lực lượng an ninh. Theo Reuters, ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Philippines nghiền nát hàng chục xe sang

Trước sự chứng kiến của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và đám đông khán giả, một chiếc xe ủi ngày 1-8 từ từ nghiền nát hàng chục chiếc xe hơi và xe môtô trị giá tới 5 triệu USD. Các chiếc xe hạng sang được thu giữ trong chiến dịch chống buôn lậu, tham nhũng mạnh tay của Tổng thống Duterte tại tỉnh Cagayan, cực Bắc đảo Luzon.

Hàng chục xe sang bị nghiền nát ở Philippines. Video: Youtube

Ông Duterte đã đích thân tham dự buổi lễ cùng Tỉnh trưởng Cagayan Manuel Mamba và lãnh đạo Đặc khu kinh tế Cagayan. Đây là lô xe buôn lậu thứ hai bị nhà chức trách địa phương tịch thu và cho chính thức tiêu hủy trong thời gian gần đây.

“Việc phá hủy các xe buôn lậu là bằng chứng cho thấy hoạt đông này không được phép diễn ra ở đây, tại Cagayan", ông Duterte nói.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người dân Philippines đã cho rằng việc này là hành động không cần thiết và rằng giới chức nên bán đấu giá những chiếc xe để thu một nguồn tiền lớn cho ngân sách, thay vì nghiền nát chúng.

Thiện Minh (Tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/nong-trong-tuan-504746/