Indonesia trở thành nước đầu tiên cấm bán hàng trên mạng xã hội

Chính phủ Indonesia vừa ra quy định cấm giao dịch hàng hóa trên các nền tảng truyền thông xã hội. Quy định này, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3.10, được cho là nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ khỏi sự cạnh tranh từ thương mại điện tử.

Được quảng cáo nhưng không được bán hàng

Theo quy định mới, các doanh nghiệp bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội hiện “bị cấm giao dịch thanh toán”. Họ có thể đặt quảng cáo trên các nền tảng này giống như trên TV nhưng không được mang tính chất giao dịch. “Họ không thể mở cửa hàng, không thể trực tiếp bán hàng”, ông Hasan nhắc chung tất cả các nền tảng mạng xã hội mà không nhắc đích danh TikTok. Ông cho biết, các công ty không tuân thủ có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh tại Indonesia.

Ảnh: AP

“Bây giờ, thương mại điện tử không thể được tiến hành trên các nền tảng mạng xã hội”, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan phát biểu trong một cuộc họp báo và nói thêm rằng quy định thương mại sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3.10. Ông Hasan cho biết các kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội sẽ có một tuần để tuân thủ quy định mới.

Trong những tháng gần đây, Chính quyền Indonesia liên tục nhận được phàn nàn về quy định quản lý mạng xã hội và thương mại điện tử, trong đó những người bán hàng ngoại tuyến nhận thấy sinh kế của họ bị đe dọa bởi việc bán các sản phẩm rẻ hơn trên TikTok Shop và các nền tảng khác.

Ông Zulkifli Hasan nói: “Bất kỳ chính phủ nào cũng sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ địa phương”, đồng thời mô tả quy định này như một cách để đảm bảo “sự bình đẳng trong cạnh tranh kinh doanh”.

Phản ứng trái chiều

Theo số liệu của doanh nghiệp, Indonesia, với 125 triệu người dùng, là thị trường toàn cầu lớn thứ hai của TikTok sau Hoa Kỳ và là thị trường đầu tiên thử nghiệm nhánh thương mại điện tử của ứng dụng này. Nhưng quốc gia này hiện đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực có động thái nhằm siết chặt hoạt động thương mại ngày càng phổ biến trên các nền tảng truyền thống xã hội trong đó có TikTok.

TikTok Indonesia cho biết công ty “quan ngại sâu sắc” về chính sách này vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người bán và người sáng tạo đang sử dụng TikTok Shop.

“Chúng tôi tôn trọng luật pháp và quy định của địa phương và sẽ theo đuổi con đường mang tính xây dựng”, chi nhánh TikTok Indonesia cho biết.

Meta – công ty sở hữu Facebook và Instagram – đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Bộ trưởng Hasan cũng cho biết, các công ty sẽ phải lựa chọn giữa giấy phép truyền thông xã hội và thương mại điện tử riêng biệt. “Rõ ràng là không có giấy phép cho thương mại xã hội. Nếu các shop bán hàng muốn có giao dịch thương mại trên mạng xã hội, vui lòng chỉ dành cho quảng cáo và khuyến mãi. Nếu họ muốn bán hàng thì phải có giấy phép thương mại điện tử.”

Thị trường thương mại điện tử Indonesia từng bị thống trị bởi các nền tảng như Tokopedia, Shopee và Lazada nhưng TikTok Shop đã giành được thị phần đáng kể kể từ khi ra mắt vào năm 2021. Tauhid Ahmad, Giám đốc điều hành của Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính có trụ sở tại Jakarta, cho biết: “Họ chắc chắn sẽ thua lỗ”.

Những người buôn bán nhỏ ở Jakarta hoan nghênh quyết định của chính phủ, cho biết doanh thu của cô đã giảm 60% trong những tháng gần đây khi người mua chuyển sang mua hàng trực tuyến. Trong khi đó, một số người khác cho biết họ thất vọng vì lệnh cấm. “Đối với những người bán hàng như tôi, TikTok có thể được sử dụng để bán hàng một cách tiện lợi và nhẹ nhàng. Chúng tôi vừa có thể trở thành người có ảnh hưởng vừa người bán hàng cùng một lúc”, một thợ làm bánh quy cho biết.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/indonesia-tro-thanh-nuoc-dau-tien-cam-ban-hang-tren-mang-xa-hoi-i344908/