Indonesia trước nguy cơ hứng thêm sóng thần

Giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ sẽ có thêm sóng thần tấn công Indonesia sau thảm họa khiến gần 400 người chết hồi cuối tuần.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thị sát tỉnh Banten trên đảo Java - Ảnh: Reuters

Tính đến hôm qua, đã có ít nhất 373 người thiệt mạng, 1.400 người bị thương cùng 128 người mất tích trong trận sóng thần trên đảo Sumatra và Java tối 22.12, theo phát ngôn viên Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho. Ông cũng cảnh báo số thương vong có thể còn tăng cao do công tác tìm kiếm các nạn nhân hiện gặp nhiều khó khăn do mưa lớn.

[VIDEO] Người dân chật vật, bệnh viện quá tải giữa tang hoang sau thảm họa sóng thần ở Indonesia

Cùng ngày, Reuters dẫn hình ảnh từ vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy một phần lớn sườn phía nam của núi lửa Anak Krakatau, nằm giữa 2 đảo nói trên, đã đổ sập xuống biển khi núi lửa phun trào trong buổi tối thảm họa. “Giả thuyết hàng đầu là núi lửa phun trào gây sạt lở. Khi đất đá sụt lún với lượng lớn và tốc độ cao, khiến bề mặt nước xáo trộn dữ dội và sự dịch chuyển theo phương thẳng đứng dẫn đến sóng thần”, chuyên gia Sam Taylor-Offord thuộc Viện Khoa học GNS (New Zealand) nhận định. Tương tự, nhà địa vật lý Mika McKinnon tại Canada cho biết kết cấu núi lửa không vững chắc, gồm đất đá mềm dọc sườn và thường xảy ra sạt lở. Một mảng lớn sụt lún xuống lòng biển có thể làm dịch chuyển lượng nước biển đủ để gây ra sóng thần.

Ông Taylor-Offord giải thích thêm do núi lửa Anak Krakatau phun trào và gây tiếng ồn lớn, có thể khiến vụ sụt lún không được ghi nhận về mặt địa chấn.

Một thi thể được tìm thấy ở Banten - Ảnh: AFP

Khả năng xuất hiện đợt sóng thần mới ở eo biển Sunda vẫn còn cao vì khi núi lửa Anak Krakatau đang trong giai đoạn hoạt động, tình trạng đất chuồi dưới biển có thể xảy ra

Tiến sĩ Richard Teeuw thuộc Đại học Portsmouth (Anh)

Mặt khác, núi lửa Anak Krakatau bắt đầu “thức giấc” kể từ tháng 6 và hoạt động liên tục đến nay. Hồi tháng 7, nhà chức trách Indonesia đã phải ra lệnh phong tỏa khu vực bán kính 2 km tính từ miệng núi lửa. Từ những yếu tố nói trên, giới khoa học đang hết sức lo ngại sẽ tiếp tục xảy ra sóng thần. “Khả năng xuất hiện đợt sóng thần mới ở eo biển Sunda vẫn còn cao vì khi núi lửa Anak Krakatau đang trong giai đoạn hoạt động, tình trạng đất chuồi dưới biển có thể xảy ra”, AFP dẫn lời tiến sĩ Richard Teeuw thuộc Đại học Portsmouth (Anh). Ông nói thêm cần tiến hành các cuộc khảo sát bằng sóng âm để lập bản đồ đáy biển xung quanh núi lửa nhưng công tác này thường mất nhiều tháng để tổ chức và thực hiện.

Đáng lo ngại hơn là đến nay vẫn chưa có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả đối với sóng thần do núi lửa vì đây là hiện tượng hiếm gặp. Riêng khu vực núi lửa Anak Krakatau thì càng khó khăn hơn. “Do núi lửa quá gần bờ biển nên trong trường hợp có phao cảnh báo được đặt sát chân núi thì không đủ thời gian truyền thông tin và sơ tán vì so với tốc độ sóng thần ập vào bờ”, chuyên gia David Rothery thuộc Đại học Mở (Anh) phân tích với Reuters.

[VIDEO] Quan sát sự tàn phá của sóng thần ở Indonesia từ trên không

Phát ngôn viên Nugroho của BNPB ngày 24.12 cũng thừa nhận Indonesia hiện chỉ có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần do động đất gây ra, được thiết lập năm 2008 sau thảm họa động đất/sóng thần khiến 168.000 người Indonesia thiệt mạng hồi năm 2004. Thậm chí hệ thống này cũng bị cho là đang hoạt động không hiệu quả vì nhiều lý do như phá hoại, thiếu kinh phí bảo dưỡng, lỗi kỹ thuật..., theo ông Nugroho. Tuy nhiên, người phát ngôn cho hay sắp tới chính phủ và các trung tâm nghiên cứu của Indonesia sẽ đặt trọng tâm phát triển các biện pháp cảnh báo và phòng ngừa mới vì nước này có 127 núi lửa, chiếm 13% số núi lửa trên toàn thế giới và nhiều ngọn núi trong số này nằm dưới biển hoặc trên các đảo nhỏ nên dễ gây sóng thần nếu phun trào.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 24.12 đã đến thị sát những khu vực bị sóng thần tàn phá trên các đảo Java và Sumatra. Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo khen ngợi nỗ lực phản ứng nhanh sau thảm họa của lực lượng cứu hộ, đồng thời chỉ đạo sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo hiệu quả hơn. Cùng ngày, giới hữu trách kéo dài lệnh sơ tán và cảnh báo nguy hiểm đến ngày 26.12 trước nguy cơ có thể xuất hiện sóng thần mới.

Huỳnh Thiềm

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/indonesia-truoc-nguy-co-hung-them-song-than-1036679.html