Indonesia với 'ngoại giao thầm lặng', liệu có tốt cho ASEAN vào lúc này?

Nhiều chuyên gia khu vực cho rằng Chủ tịch ASEAN-Indonesia đang theo đuổi cách tiếp cận 'ngoại giao thầm lặng' với nhiều vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có vấn đề Myanmar.

Indonesia đang chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên của năm nay. (Nguồn: Theo Jakarta Post)

Indonesia đang chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên của năm nay. (Nguồn: Theo Jakarta Post)

"Mọi thứ đang đi đúng hướng"

Trong một bài phân tích gần đây trên tờ Jakarta Post, các nhà phân tích cho rằng Indonesia tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận “ngoại giao thầm lặng” trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023.

Indonesia đang chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên của năm nay diễn ra tại Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara, vào tháng 5 tới.

Hơn 3 tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN kéo dài một năm, Chính phủ Indonesia thông báo một số thông tin cập nhật về chương trình nghị sự an ninh khu vực. Phát biểu họp báo ngày 5/4, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi cho hay “mọi thứ đang đi đúng hướng” đối với các nỗ lực ngoại giao của nước này, trong bối cảnh các vấn đề cấp bách như căng thẳng tại Biển Đông và khủng hoảng Myanmar tiếp tục nổi lên.

Một số chuyên gia cho rằng “cách tiếp cận khiêm tốn” có thể là lựa chọn tốt nhất của Indonesia khi giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất, mặc dù không có gì đảm bảo đạt hiệu quả cho đến khi các kết quả được công bố.

Rizal Sukma, thành viên cấp cao Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Jakarta, nhận định rằng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 là phép thử với vai trò Chủ tịch của Indonesia.

Hiện nay, một số chuyên gia nhận định có sự khác biệt rõ rệt so với tiếng nói nổi bật của Indonesia trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 vào năm ngoái.

Chuyên gia quan hệ quốc tế Dafri Agussalim thuộc Đại học Gadjah Mada (Indonesia) nhận định: “Việc thiếu truyền thông đã làm giảm sự can dự của công chúng, từ đó làm giảm nhận thức và sự quan tâm của họ đối với ASEAN. Điều này là không tốt, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của các nước về Indonesia, kể cả trong ASEAN”.

Tuy nhiên, Dewi Fortuna Anwar, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Cơ quan nghiên cứu và đổi mới quốc gia (BRIN) cho rằng bất kỳ cách tiếp cận “ầm ĩ hơn” khác đều có thể phản tác dụng trong ASEAN.

Hơn 2 năm qua, ASEAN rất tích cực trong việc đưa ra đồng thuận trong vấn đề Myanmar. Bên cạnh đó, đối đầu Mỹ-Trung Quốc cũng gia tăng khi hai siêu cường này tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Tại họp báo tuần trước, Ngoại trưởng Indonesia Retno khẳng định sự im lặng của Indonesia, đặc biệt trong vấn đề Myanmar thời gian qua là cần thiết để “xây dựng lòng tin”.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, Bộ Ngoại giao Indonesia đã bắt đầu sử dụng "ngoại giao thầm lặng" như một chiến lược nhằm giảm thiểu nguy cơ đối với các cuộc đàm phán quan trọng.

Dường như Indonesia đang tập trung vào việc tạo thuận lợi cho các cuộc đối thoại bao trùm ở Myanmar, nhằm cho phép tất cả các bên liên quan tìm được các giải pháp chính trị. Bất kỳ hành động nào từ phía Chủ tịch ASEAN trước khi các tiến trình đàm phán đạt được kết quả cụ thể đều có thể gây ra tác dụng phụ.

Kiên định 5PC

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 2 vừa qua đã khẳng định lập trường thống nhất của ASEAN trong cách tiếp cận hoặc xử lý vấn đề Myanmar là thực thi Đồng thuận 5 điểm (5PC).

Nguyên tắc 5PC do lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021 nhằm hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình, tham gia hiệu quả hợp tác ASEAN, xây dựng Cộng đồng.

Các điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar.

Trước đó, ngày 5/4, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết trong 3 tháng qua, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, nước này đã nỗ lực thúc đẩy thực thi 5PC của các nhà lãnh đạo ASEAN về Myanmar.

Cụ thể, Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 lần đầu tiên gặp gỡ các đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, của nước láng giềng Myanmar, và cả các nước khác, với mục đích chính là thúc đẩy sự phối hợp và sức mạnh tổng hợp, đồng thời tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Cũng theo Ngoại trưởng Retno, Indonesia đã báo cáo các diễn biến liên quan đến Myanmar, đặc biệt là việc thực hiện 5PC, lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong cuộc họp kín ngày 13/3, trong đó các nước ủy viên Hội đồng Bảo an đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia, vai trò trung tâm của ASEAN và 5PC.

(theo Jakarta Post)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/indonesia-voi-ngoai-giao-tham-lang-lieu-co-tot-cho-asean-vao-luc-nay-223744.html