INF trước nguy cơ sụp đổ: Kịch bản Nga bố ráp tên lửa

Với việc ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF, một vấn đề đang được dấy lên là Nga sẽ phản ứng thế nào.

Thứ nhất, quyết định của Mỹ vẫn chưa được đưa ra chính thức. Nó có thể được xem xét lại. Sau khi có thông báo chính thức, sẽ có sáu tháng trước khi hiệp ước này chính thức kết thúc. Moscow đang cho thấy sẵn sàng đàm phán ở mọi cấp độ bất kỳ lúc nào.

Còn chính quyền Mỹ đang ở trong thời kỳ khó khăn. Sự phản đối quyết định này trong Quốc hội là mạnh mẽ, với nhiều học giả Mỹ và các đồng minh NATO cũng thể hiện quan điểm không nhất trí. Đức đã chỉ trích động thái này. Như vậy, vẫn còn cơ hội để cứu vãn. Tuy nhiên, nếu điều tồi tệ nhất xảy ra và INF trở thành lịch sử, Nga sẽ có các lựa chọn của mình, cây viết Andrei Akulov nhận định trong một bài viết cho trang Strategic Culture.

Nga "vây ráp" Mỹ, châu Âu bằng tên lửa

Thời gian đã thay đổi. Không giống như trong những năm 1980, Nga đang có khả năng tấn công đe dọa lục địa Mỹ. Moscow có thể dùng tên lửa tầm trung phóng tới Alaska.

Trong khi các tên lửa tầm trung của Mỹ tại mặt đất hiện chưa được phát triển mạnh, Nga có thể dễ dàng mở rộng phạm vi các hệ thống tên lửa Iskander của mình để tầm bắn của chúng bao trùm châu Âu, trong đó, các tài sản quân sự của Mỹ trở thành mục tiêu chính. Moscow cũng có thể phóng tên lửa hành trình Kalibr từ mặt đất. Số lượng các tên lửa thông thường và tên lửa hành trình có đầu đạn hạt nhân từ trên không và trên biển của Nga ở gần các nước châu Âu và các vùng biển lân cận có thể dễ dàng tăng lên. Hải quân và Không quân Nga đã có được năng lực tấn công lục địa Mỹ bằng các tên lửa tầm trung – chúng có thể vượt qua tầm hoạt động của các hệ thống phòng không lục địa.

Nga có nhiều lựa chọn triển khai tên lửa nếu INF thực sự bị hủy bỏ. (Nguồn: SC)

Khả năng này có thể còn được tăng cường. Các tàu hải quân Nga với tên lửa hành trình trên tàu có thể neo đậu ở các nước như Venezuela hay Nicaragua theo chương trình luân phiên. Máy bay ném bom hàng không tầm xa cũng có thể sử dụng các căn cứ không quân ở đó. Nga chưa từng thể hiện sức mạnh đe dọa lục địa Mỹ nhưng có thể họ sẽ làm điều đó, dù sao Moscow không phải là nước bắt đầu.

Theo Andrei Akulov, có một điều rất quan trọng cần nhận ra rằng, không giống như trong những năm 1980, Nga đang có khả năng tấn công đe dọa lục địa Mỹ. Moscow có thể dùng tên lửa tầm trung phóng tới Alaska. Thời gian đã thay đổi.

Trong khi INF đang gặp nguy cơ, nhiều chuyên gia còn nói rằng Hiệp ước START mới giữa Mỹ và Nga cũng có thể bị xét lại. Điều này càng khiến cho Nga có lí do để tăng cường sức mạnh quân sự. Trong khi quá trình Moscow hiện đại hóa kho vũ khí chiến lược với các tài sản mới đã đi vào hoạt động thì Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để phát triển, thử nghiệm và giới thiệu các hệ thống mới để nâng cao năng lực của mình. Tiến trình này sẽ mất nhiều năm. Bằng cách gây nguy hiểm cho Hiệp ước START mới, Mỹ có thể đang tự gây hại cho mình.

Ván bài mặc cả bằng quân sự?

Theo cây viết Andrei Akulov, mối quan hệ song phương đang ở mức thấp nhưng là sai lầm khi sử dụng các thỏa thuận kiểm soát vũ khí như các con bài mặc cả. Việc sử dụng thuật ngữ Đạo luật Helsinki, các biện pháp trừng phạt, vấn đề Ukraine, vấn đề Syria, cáo buộc can thiệp bầu cử nên được xét chung vào một "rổ", trong khi kiểm soát vũ khí cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động quân sự nên được xem xét ở một khía cạnh khác. Chương trình nghị sự về quan hệ song phương nên được phân tách.

Cũng theo cây viết này, thật khó để hiểu được sự nguy hiểm của một cuộc chạy đua vũ trang. Các chính khách Mỹ có thể đánh giá thấp nó. Mỹ có chỉ số GDP lớn hơn nhiều so với Nga nhưng các chương trình quân sự của Moscow ít tốn kém hơn và phần nào hiệu quả hơn. Đây là thực tế mà Washington phải tính đến, dù có thích thú hay không.

Hoa Kỳ đang trở lại thời Tổng thống George W. Bush khi chính quyền cố gắng tránh các hiệp ước ràng buộc. Lý do đằng sau nó là bất kỳ hiệp ước ràng buộc nào cũng có thể bị vi phạm, vậy tại sao lại phải bị buộc chặt một tay? Trong quan hệ quốc tế, có thể thấy, các chính quyền đến và đi. Mỗi thời sẽ có cách hiểu khác nhau về những điều đã thỏa thuận. Việc giải quyết vấn đề quốc tế không thể phụ thuộc vào ý chí của mỗi người. Chỉ có một thỏa thuận ràng buộc, bằng văn bản mới có thể đảm bảo hiệu quả. Và tốt hơn là các thỏa thuận đó được quốc hội các nước phê chuẩn để hệ thống hóa các điều khoản đã thỏa thuận nhằm xây dựng lòng tin.

Trong kịch bản xấu nhất, khi hai cường quốc quân sự hàng đầu đã thất bại trong việc kiềm chế cuộc chạy đua các lực lượng hạt nhân chiến lược, thì các vũ khí siêu thanh, hệ thống vũ khí không gian, tên lửa tầm xa và các hoạt động tác chiến trên không gian mạng sẽ không được kiểm soát. Cuộc đua vũ trang sẽ lan sang các lĩnh vực khác.

Andrei Akulov nhận định, các cuộc chạy đua trong các lĩnh vực khác nhau sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực. Và sau đó chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đầu như những người tiền nhiệm của chúng ta đã phải làm. Nhưng lần này không có sự bảo đảm nào rằng thế hệ sau sẽ tiếp tục. Thế giới đã trở nên quá phức tạp.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/inf-truoc-nguy-co-sup-do-kich-ban-nga-bo-rap-ten-lua-20181023154030837.htm