Innovation Lab biến ý tưởng trên giấy thành sản phẩm

Các dự án khởi nghiệp lĩnh vực cơ khí – tự động hóa sẽ được hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, chuyên gia nước ngoài… để biến các ý tưởng thành các sản phẩm thật, có khả năng thương mại hóa.

Sinh viên tham quan các sản phẩm nghiên cứu tại NEPTECH. Ảnh: Hà Thế An.

Đây là mục tiêu mà Trung tâm thiết kế, chế tạo thiết bị mới – NEPTECH (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) hướng đến nhằm hỗ trợ các sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực cơ khí – tự động hóa.

Phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo (Innovation Lab – trực thuộc NEPTECH) vừa tổ chức tuyển chọn các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp của 9 nhóm sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM vào ngày 26/07.

Các nhóm khởi nghiệp sẽ giới thiệu các ý tưởng, sản phẩm của mình trước Hội đồng chuyên môn. Sau quá trình phản biện, hội đồng sẽ tuyển chọn các dự án tốt nhất để tiến hành hỗ trợ.

Trao đổi với Khám phá, TS Lê Phan Hoàng Chiêu - Giám đốc NEPTECH cho biết, đơn vị hướng đến các ý tưởng khởi nghiệp của giới sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng không có điều kiện chế tạo sản phẩm.

NEPTECH sẽ hỗ trợ không gian làm việc, các trang thiết bị kỹ thuật, chuyên gia tư vấn từ các tổ chức nước ngoài... để giúp các chủ dự án hoàn thiện sản phẩm.

“Sau quá trình hỗ trợ, nếu các chủ dự án khởi nghiệp có nguyện vọng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với các vườn ươm, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để hỗ trợ dự án phát triển sản phẩm của mình”, TS Chiêu cho hay.

Tại buổi tuyển chọn, các thành viên Hội đồng chuyên môn đánh giá, nhiều dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng vào thực tế.

Cụ thể như, dự án thiết bị giao thông thông mình có khả năng thông báo người bị tai nạn giao thông để người gần nhất đến hỗ trợ, của sinh viên ĐH công nghiệp TP.HCM; Dự án Máy tách vỏ cacao tự động của sinh viên ĐH công nghệ TP.HCM; Dự án Máy cắt cỏ tự động của sinh viên ĐH công nghệ TP.HCM…

Lê Duy Cường, sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết, trong lần về thăm quê một thành viên nhóm ở Tây Nguyên, nhóm đã chứng kiến nhiều người dân bán quả cacao thô với giá thành thấp. Từ đó, các thành viên quyết định nghiên cứu máy tách vỏ cacao tự động, hỗ trợ người dân nâng cao giá thành.

“Nhóm đã tiến hành khảo sát, quả cacao sau khi tách vỏ có giá thành cao hơn khoảng 20% so với cacao thô, chưa bóc vỏ. Nhóm hy vọng, sẽ vượt qua vòng tuyển chọn để nhận được hỗ trợ để đưa chiếc máy từ bản vẽ thành sản phẩm thật”- Cường nói.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/innovation-lab-bien-y-tuong-tren-giay-thanh-san-pham-c7a552462.html