Insee rót tiền nâng công suất

Sau hơn 2 năm sở hữu Xi măng Holcim (nay là Insee), Tập đoàn Siam City Cement (SCCC), nhà sản xuất xi măng lớn thứ 2 Thái Lan, đang tính chuyện đầu tư mở rộng, nâng công suất và nhắm tới thị trường chiến lược tại khu vực phía Nam.

Insee sẽ phân kỳ đầu tư mở rộng nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất.

Kế hoạch đầu tư mở rộng

Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam thuộc SCCC đang tính toán kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng công suất nhằm khai thác cơ hội kinh doanh tại thị trường xi măng Việt Nam.

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất phân kỳ đầu tư mở rộng Nhà máy Xi măng Hòn Chông (Insee) tại Kiên Giang, thuộc Siam City Cement với 2 dây chuyền sản xuất clinker (dây chuyền số 2 và số 3).

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh phân kỳ đầu tư của Dự án Xi măng Insee (Dự án Holcim 2 trước đây) với 1 dây chuyền công suất lò nung 10.000 tấn clinker/ngày (tương ứng 3,6 triệu tấn xi măng/năm) thành 2 dây chuyền.

Trong đó, dây chuyền số 2 có công suất 5.000 tấn clinker/ngày (tương ứng 1,8 triệu tấn xi măng/năm) sản xuất clinker tại Kiên Lương (Kiên Giang). Dây chuyền số 3 công suất 5.000 tấn clinker/ngày (1,8 triệu tấn xi măng/năm), đầu tư sau năm 2025.

Quy mô công suất của Insee hiện đạt 6,1 triệu tấn, với 5 nhà máy xi măng và các trạm trộn bê tông hiện đại tại TP.HCM. Trong đó, Nhà máy Xi măng Hòn Chông có công suất thiết kế 1,76 triệu tấn xi măng/năm, gồm 1 lò nung clinker công suất thiết kế 4.000 tấn/ngày; trạm nghiền xi măng Thị Vải (tại Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) có công suất 1,5 triệu tấn/năm…

Việc đầu tư mở rộng của SCCC Việt Nam được thực hiện đúng theo Quy hoạch Phát triển ngành. Cụ thể, theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, Dự án Xi măng Insee (Holcim 2) được đầu tư với công suất 3,6 triệu tấn xi măng/năm, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Kế hoạch chiếm lĩnh thị trường phía Nam

Với 82 dây chuyền sản xuất trên cả nước, ngành xi măng Việt Nam đang có tổng quy mô công suất trên 100 triệu tấn/năm, tuy nhiên, sức cầu của thị trường hiện mới dừng ở 65 - 67 triệu tấn/năm.

Năm 2018, sản xuất xi măng toàn ngành đạt gần 100 triệu tấn, mức cao nhất trong lịch sử ngành này, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 65 triệu tấn. Nhờ xuất khẩu thuận lợi, đạt 32 triệu tấn, nên ngành đã thoát cảnh ế thừa, tồn kho.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển bền vững Insee Việt Nam nhận định, về tổng thể, thị trường xi măng trong nước đang trong tình trạng cung vượt cầu, nhưng thị trường phía Nam vẫn thiếu xi măng. Đó là lý do khiến Công ty tự tin tiếp tục mở rộng đầu tư.

Trả lời câu hỏi, việc phân kỳ đầu tư có giúp Công ty giảm áp lực về nguồn vốn và giải bài toán tiêu thụ, ông Bảo nói: “Với Insee, sức ép về vốn là không đáng ngại, mà chủ yếu là thị trường. Điều quan trọng là, dây chuyền 2 được xây dựng tại Nhà máy Xi măng Hòn Chông phải được tính toán kết nối với các trạm nghiền của Công ty và đầu tư công nghệ để đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả”.

Ông Bảo cũng chia sẻ, Insee hy vọng sẽ khởi công dây chuyền 2 (tại Kiên Giang) cuối năm 2019 để năm 2021 có thể đưa vào vận hành, cung cấp xi măng cho thị trường phía Nam.

Phân tích thêm về khả năng tiêu thụ của thị trường, đại diện Xi măng Insee cho rằng, thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam hàng năm tăng trưởng 5 - 7%, như vậy, vẫn có “đất” cho các doanh nghiệp xi măng đẩy mạnh tiêu thụ, tất nhiên, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường sẽ ngày càng cao.

“Công ty luôn tính toán kỹ lưỡng để tiết giảm tối đa chi phí đầu tư, vận hành và các nguyên liệu đầu vào, bởi việc mở rộng đầu tư vẫn ít nhiều liên quan đến câu chuyện giá, trong khi giá xi măng hiện tại khá thấp. Mục tiêu của Insee là tăng trưởng bền vững và giữ được thị phần”, ông Bảo khẳng định.

Được biết, kết thúc năm 2018, Insee đã sản xuất và tiêu thụ 5 triệu tấn xi măng. Mức sản lượng này vẫn chưa chạy đủ 100% công suất do có những điều chỉnh sản xuất để phù hợp với khả năng tiêu thụ và năng lực tiếp cận thị trường của Công ty.

Thương vụ M&A trị giá 580 triệu USD

Tháng 8/2016, Tập đoàn Siam City Cement (SCCC, Thái Lan) mua lại 65% cổ phần của Holcim Việt Nam (trị giá 580 triệu USD) từ LafargeHolcim (Thụy Sỹ), hoàn tất thương vụ chuyển nhượng vốn. Đến cuối tháng 2/2017, Holcim Việt Nam chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam với thương hiệu Insee.

Là một trong những nhà sản xuất xi măng lớn nhất Thái Lan, SCCC đang thực hiện chiến lược phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ra nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Cam-pu-chia, Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/insee-rot-tien-nang-cong-suat-d100315.html