IPC của ông Tề Trí Dũng đã 'áp phe' với Sadeco của bà Hồ Thị Thanh Phúc

Cơ quan công an đã bắt bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn-Sadeco) ngay sau khi bắt ông Tề Trí Dũng (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC). Tìm hiểu, giữa IPC và Sadeco đã có nhiều cú 'bắt tay' gây thiệt hại cho vốn nhà nước.

"Bắt tay" xẻ thịt dự án

Sadeco chuyên về xây dựng công nghiệp, dân dụng, cơ sở hạ tầng, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch... IPC chiếm tỉ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco.

Ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc

Theo tìm hiểu của PV báo Lao Động, năm 2000, IPC được giao làm chủ đầu tư dự án khu dân cư ven sông rộng hơn 25ha thuộc khu đô thị mới Nam TP.HCM.

Thay vì phải thực hiện dự án theo phê duyệt, năm 2000, IPC đã bắt tay với Sadeco cùng chia nhau dự án trên dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo tỉ lệ góp vốn 50% - 50%. Dự án Khu dân cư ven sông được chia thành 4 khu nhỏ gồm khu I (174.836m2), khu II (18.350m2), khu III (44.075m2) và khu IV (31.967,3m2).

Sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng, năm 2016, khu I được chia đều cho cả 2 bên. Khu II là của Sadeco, khu III của IPC… Sau đó Sadeco đã bán sạch số đất được chia tại khu I. Còn IPC đã bán gần 12.000m2 cho Cty CP Quốc Cường Gia Lai, thay vì phải thực hiện dự án đã được giao và duyệt.

Bán rẻ đất, bán chỉ định cổ phiếu... thiệt hại hơn 150 tỉ đồng

PV báo Lao Động tìm hiểu được biết, năm 2017, tại đại hội cổ đông Sadeco gồm 4 thành viên: Tề Trí Dũng; Trần Đăng Linh, Phó Tổng Giám đốc IPC; bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Sadeco và ông Trần Mạnh Khôi, Phó Trưởng ban Kiểm soát Sadeco đã biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), còn cổ đông chiến lược chiếm tỉ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.

Điều đáng nói, trước khi bán cổ phần và cổ đông chiến lược chiếm quyền biểu quyết tại Cty có vốn nhà nước, IPC và Sadeco đã thuê Cty CP chứng khoán TP.HCM thực hiện thẩm định giá tài sản dù Cty này không có chức năng.

Hậu quả, với tài sản là nền đất của Sadeco đã được định giá, thậm chí thấp giá thực tế rất nhiều. Với hơn 61 ha khu đất dự án đã thực hiện bồi thường từ năm 2000 (các khu định cư Phước Kiển; Khu dân cư Sadeco Phước Kiển; Sadeco An Phú; Sadeco Plaza; Sadeco Duyên Hải…), Cty CP chứng khoán TP.HCM không xác định lại giá trị thực tế mà lấy giá trị trên… sổ sách đã quá xa so với giá thị trường để làm căn cứ xác định giá trị cổ phiếu.

Nhiều tài sản của Sadeco bị định giá trị thấp

Không chỉ bán rẻ mà còn bán chỉ định số cổ phiếu trên, theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM, năm 2015, nhóm cổ đông nhà nước tại IPC cũng đã bán 5.235.683 cổ phần Sadeco cho Cty Exim, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, mức giá 26.100 đồng/cổ phiếu. Sau đó, năm 2016, Cty Exim chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho Cty khác.

Theo Thanh tra TP.HCM, bản chất các vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Việc làm này là trái quy định pháp luật, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỉ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Nhiều tài sản dự án Sadeco bị định giá thấp

Sau vụ bán này, số vốn góp tại Sadeco của IPC giảm từ 44% xuống còn 28%. Trong khi đó, theo thanh tra, ở thời điểm phát hành cổ phiếu, Sadeco chưa thực sự có nhu cầu cần thiết tăng vốn điều lệ. Từ đó dẫn tới việc cổ đông chiến lược tư nhân đã thâu tóm Sadeco với tỉ lệ sở hữu vốn hơn 54%.

Ngô Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/ipc-cua-ong-te-tri-dung-da-ap-phe-voi-sadeco-cua-ba-ho-thi-thanh-phuc-733542.ldo