Iran bị Covid-19 tấn công dữ dội, Hàn Quốc lập 'bốt điện thoại' xét nghiệm

Trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19, một bệnh viện Hàn Quốc vừa giới thiệu mô hình xét nghiệm khép kín giống như bốt điện thoại, cho phép nhân viên y tế khám bệnh từ phía sau tấm chắn bằng nhựa an toàn.

Đây là phát minh mới nhất của Hàn Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19, được đặt tên là "Buồng kỹ thuật đánh giá nhanh và an toàn của Bệnh viện Yangji", viết tắt là SAFETY. Theo đó, một dãy 4 bốt được dựng bên ngoài bệnh viện H Plus Yangji ở thủ đô Seoul, sử dụng phòng áp lực âm để ngăn chặn các phân tử có hại thoát ra ngoài.

"Buồng kỹ thuật đánh giá nhanh và an toàn của Bệnh viện Yangji

"Buồng kỹ thuật đánh giá nhanh và an toàn của Bệnh viện Yangji

Từng bệnh nhân sẽ bước vào bốt để tư vấn nhanh về sức khỏe qua điện thoại. Nếu cần, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm từ mũi và cổ họng của người đến khám bằng cách đeo găng cao su dài kín cánh tay gắn sẵn ở vách kính. Toàn bộ quá trình kéo dài khoảng 7 phút và căn buồng sau đó sẽ được khử trùng và thông hơi.

Giám đốc bệnh viện Kim Sang-il lý giải các buồng SAFETY nhỏ như vậy sẽ dễ khử trùng hơn các phòng cách ly áp lực âm thông thường, tạo không gian an toàn cho tư vấn sức khỏe và lấy mẫu phẩm của người bệnh.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia được đánh giá là kiểm soát tốt dịch bệnh nhờ chủ trương xét nghiệm diện rộng và theo dõi người tiếp xúc với bệnh nhân.

Bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, đến nay đại dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, đặc biệt là châu Âu và Mỹ.
Hưởng ứng kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về "những hành động táo bạo nhất" nhằm ngăn chặn dịch bệnh, các nước đã đồng loạt triển khai các biện pháp cứng rắn chưa từng có.

EU cấm nhập cảnh 30 ngày

Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU. Khối cũng thống nhất thiết lập các "hành lang xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt.

"EU và các nước thành viên sẽ làm bất kỳ điều gì để ứng phó với các thách thức hiện nay", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel tuyên bố.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Berlin sẽ lập tức thực thi lệnh cấm nhập cảnh này, từ một số trường hợp người lao động phải qua biên giới làm việc, các nhà ngoại giao hay nhân viên y tế.

Số ca tử vong ở Iran tăng 13%

Iran hiện là một trong những nước bị Covid-19 tấn công dữ dội nhất, với số bệnh nhân tử vong trong 24 giờ qua tăng 13%. Theo phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour, số ca tử vong ở nước này vừa tăng thêm 135 lên 988 trường hợp trong hơn 16.000 bệnh nhân.

Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour, báo cáo từ hơn 56 phòng thí nghiệm xác nhận đã có thêm 1.178 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 16.169 ca.

Để ngăn tình hình xấu đi, Iran đã ban lệnh cấm việc ăn mừng Năm mới, còn gọi là lễ hội Chaharshanbe Soori truyền thống, vốn bắt đầu từ tối 17/3 với các hoạt động ăn mừng như nhảy qua lửa và bắn pháo hoa.

Mới đây, Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran để giúp nước này kiểm soát dịch bệnh.

Tình trạng khẩn cấp ở Nam Mỹ

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, một loạt quốc gia Nam Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tại Colombia, các công dân trên 70 tuổi phải ở trong nhà, trừ trường hợp phải ra ngoài mua lương thực, thuốc men, sử dụng các dịch vụ y tế và tiếp cận dịch vụ tài chính.

Ở Peru, các nhà chức trách áp đặt một loạt biện pháp phòng chống dịch như yêu cầu người dân ở nhà và làm việc từ xa, đóng cửa biên biên giới, dừng tự do đi lại, huy động quân đội - cảnh sát tham gia đảm bảo dịch vụ công cộng.

Bolivia và Honduras cũng đưa ra các biện pháp tương tự trong khi Mexico, Chile và Cuba cũng hành động khẩn trương khi tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca dương tính mới.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/cap-nhat-dai-dich-covid-19-iran-bi-tan-cong-du-doi-han-quoc-lap-bot-dien-thoai-xet-nghiem-625251.html