Iran biết cách để không mắc mưu Mỹ

Iran biết là nếu 'ăn miếng trả miếng' với Mỹ, cũng rút khỏi thỏa thuận, sẽ mắc mưu của Mỹ. Như vậy, nhìn vào sẽ thấy không chỉ Mỹ mà cả Iran đang xé bỏ thỏa thuận hạt nhân, cựu Đại sứ Việt Nam tại Iran, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch đánh giá khi trao đổi với Dân Việt.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Thưa ông, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ý nghĩa của quyết định này như thế nào và ông dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Đây là quyết định mà các nước đều cho là đáng tiếc. Sau phát biểu của Tổng thống Mỹ, các chính trị gia phương Tây đã lên tiếng và đều thống nhất cho rằng đây là quyết định đáng tiếc. Như chúng ta biết ngay cả các đồng minh của Mỹ và cả nhiều chính trị gia củ Mỹ hơn 2 năm qua can ngăn Tổng thống Mỹ D. Trump nhưng đến giờ thì họ không thể can ngăn thêm được nữa. Như vậy, ít nhất quyết định này đi ngược lại ý chí của đại đa số trong cộng đồng quốc tế. Tổng thống Trump giải thích rằng ông quyết tâm thực hiện điều ông đã hứa với cử tri Mỹ. Thực ra Tổng thống Trump thắng cử nhờ thắng phiếu Đại cử tri chứ không nhận được phiếu của đại đa số người dân Mỹ. Hơn nữa, trong số những phiếu ông nhận được có phải là người ta đã bỏ phiếu cho việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân không. Nhiều người tin là không. Vậy đấy là điều ông muốn hay đấy là điều cử trị muốn và ông thực hiện vẫn còn là một câu hỏi.

Chưa biết quyết định này được cho ai nhưng mất thì thấy rõ. Giới doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp Tây Âu đang làm ăn với Iran sẽ bị trói chân trói tay. Về kinh tế làm ăn với Iran sẽ khó khăn hơn. Còn về chính trị, không nghi ngờ gì là không khí căng thẳng sẽ bao trùm lên Trung Đông.

Iran không rút khỏi thỏa thuận để tránh mắc bẫy của Mỹ là cùng xé bỏ thỏa thuận, nhưng sẽ tìm cách khác để "trả đũa" Mỹ. Cách người ta có thể hình dung được là tăng cường hỗ trợ các phong trào/lực lượng chống Mỹ và Israel. Tình hình Trung Đông đã căng sẽ còn tiếp tục căng hơn nữa. Nếu Tổng thống Trump muốn cấm vận chống đất nước ông cho là hỗ trợ khủng bố nhiều nhất, việc ông làm lại chính là làm tăng sự hỗ trợ đó.

Các cuộc chiến "ủy nhiệm" (từ chuyên môn cho cuộc chiến qua tay người khác) sẽ càng căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria, Yemen và có thể lan sang cả Li băng. Xung đột Palestine và Isarel cũng sẽ nóng hơn khi phe Hamas càng có lý do để không tin vào giải pháp chính trị cho xung đột.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch là Đại sứ Việt Nam tại Iran vừa kết thúc nhiệm kỳ.

Thưa ông, trước khi có tuyên bố chính thức của Tổng thống Trump, Iran cũng đã lường trước được kịch bản này, đồng thời cho biết sẽ ở lại thỏa thuận và đe dọa sẽ trả đũa Mỹ. Vì sao Iran lại quyết định như vậy?

Như trên tôi đã nói Iran biết là nếu "ăn miếng trả miếng" với Mỹ, cũng rút khỏi thỏa thuận, sẽ mắc mưu của Mỹ. Như vậy, nhìn vào sẽ thấy không chỉ Mỹ mà cả Iran đang xé bỏ thỏa thuận. Tuyên bố của Tổng thống Rouhani ngay sau khi ông Trump phát biểu là rất khéo léo. Iran tuyên bố "sẽ duy trì thỏa thuận có điều kiện" tức là Iran vẫn duy trì nhưng để ngỏ khả năng rút khỏi thỏa thuận khi cần thiết.

Theo đánh giá của ông, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Nga sẽ được hưởng lợi gì?

Thực ra việc Mỹ rút chỉ làm cho người ta thấy Mỹ không tôn trọng các thỏa thuận quốc tế; Mỹ mất uy tín của mình như một thành viên trong cộng đồng quốc tế. Mỹ mất uy tín không có nghĩa là các đối thủ của Mỹ trong "cuộc chơi" này sẽ được. Nga hay Trung Quốc, Tây Âu vẫn duy trì cam kết của mình với thỏa thuận sẽ vẫn duy trì uy tín như trước khi có tuyên bố của ông Trump. Các diễn biến tiếp theo, chính sách của các nước đối với tình hình mới sẽ xác định vị trí của họ tại Trung Đông. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận chưa nói lên được gì về sự thay đổi vị trí của các nước trong "bàn cờ" khu vực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Đăng (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/my-rut-thoa-thuan-hat-nhan-iran-biet-cach-de-khong-mac-muu-my-873966.html