Iran bỏ JCPOA, tái khởi động hạt nhân: Thuộc bài Triều Tiên?

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và Israel không kích Syria, Iran cũng sẽ bỏ JCPOA, tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân, tăng cường căng thẳng quân sự.

Sau khi Mỹ rút khỏi “Kế hoạch hành động chung toàn diện 2015” (JCPOA), hay còn được gọi là “Thỏa thuận hạt nhân Iran”, Tehran sẽ thách thức Hoa Kỳ bằng cách tái khởi động dây chuyền làm giàu nhiên liệu hạt nhân lên cấp độ vũ khí và tăng cường cuộc đối đầu quân sự với Israel.

Theo nguồn tin quân sự độc quyền Trung Đông của DEBKafile, giới chức lãnh đạo Tehran đã đạt được những quyết định này vào ngày 11 tháng 5, một ngày sau khi 28 máy bay chiến đấu của Israel phóng 60 quả tên lửa không đối đất phá hủy các cơ sở quân sự của Iran ở khu vực Damascus và tỉnh Homs (cùng với hơn 10 quả tên lửa đất đối đất).

Các bước đi mới nhất của Iran tuân thủ theo các kế hoạch chiến lược mà Tehran đã hoạch định cho tình huống xấu nhất là Hoa Kỳ bỏ hiệp ước hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), được ký kết năm 2015.

Trong những tuần tới, Tehran sẽ chọn thời điểm công bố từ bỏ thỏa thuận hạt nhân và khởi động lại việc làm giàu urani ở mức cao, bất kể việc đối mặt với lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump rằng, hành động này sẽ gặp phải những hậu quả rất nghiêm trọng.

Sau khi từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, hôm 10/5 Mỹ đã yêu cầu cơ quan giám sát hạt nhân là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp tục thanh, kiểm tra chương trình hạt nhân của Iran. Washington có ý định sử dụng các cơ cấu hạt nhân quốc tế độc lập để tiếp cận các hoạt động hạt nhân của Iran, miễn là chúng được cho phép.

Các báo cáo tình báo độc quyền của DEBKAfile đã phác thảo các động cơ đằng sau các bước đi tiếp theo của Iran như sau:

Thứ nhất là: Chính quyền Tehran không tin rằng cuộc tấn công lớn của Israel vào căn cứ của Iran, các kho tên lửa, các trung tâm hậu cần và các địa điểm quân sự khác ở Damascus các tỉnh phía vào tối hôm 10/5 - được mô tả là hoạt động hàng không lớn nhất kể từ Chiến tranh Yom Kippur, sẽ là hành động cuối cùng của Israel.

Các nhà chiến lược Iran tin rằng, chiến dịch quân sự huy động hơn 1 trung đoàn không quân này đã được kế hoạch trước bởi chính quyền Trump và chính phủ Netanyahu trong khuôn khổ một chiến dịch chung lớn nhằm vào Iran và nước này không thể khoanh tay ngồi yên chịu chết.

Thứ hai là: Tehran ra giá với châu Âu để bảo tồn hiệp ước hạt nhân, phiên bản không có Hoa Kỳ.

Trong một cuộc trò chuyện điện thoại hôm 10/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói với Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng, Tehran cần thiết phải ngăn chặn sự phát triển và sản xuất tên lửa đạn đạo của mình và ngừng tham gia vào cuộc chiến ở Syria và Yemen.

Đàm phán với châu Âu về “Thỏa thuận hạt nhân không có Mỹ” chỉ là bài kéo dài thời gian của Iran?

Ông Rouhani đáp lại bằng cách yêu cầu Đức phải đảm bảo rằng, không có bất cứ thành viên Liên minh châu Âu nào sẽ tham gia các biện pháp trừng phạt mới của Tổng thống Trump, dù là trực tiếp hay gián tiếp, thì mới có thể bàn đến một “Thỏa thuận hạt nhân Iran” không có Mỹ.

Lệnh trừng phạt Iran đã được Washington công bố chỉ vài giờ sau khi Israel cáo buộc lực lượng đặc nhiệm Al Qods của Iran ở Syria đã bắn 20 tên lửa vào các vùng đất mà Tel Aviv chiếm được của Syria trên cao nguyên Golan.

Các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ đã được giáng xuống sáu người (tất cả đều là người Iran) và ba công ty có quan hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Những cá nhân và tổ chức này bị cáo buộc là đã huy động và tài trợ hàng triệu dollars cho “các nhóm khủng bố của Iran”.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, các hình phạt dành cho Ngân hàng trung ương của Iran đã giúp IRGC thu gom được số lượng lớn dollars Mỹ thông qua "một mạng lưới trao đổi tiền tệ quy mô lớn".

Lãnh đạo Iran không có ảo tưởng về việc Liên minh châu Âu có thể cam kết chắc chắn về một điều khó như vậy, bởi ít nhất sẽ có Anh ủng hộ Mỹ. Do đó, các chương trình ngoại giao với các nhà lãnh đạo châu Âu trong thời gian này chỉ để kéo dài thời gian, nhằm tổ chức lực lượng đối đầu với các chiến dịch của Mỹ và Israel.

Thứ ba là: Tehran hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ trở nên khắc nghiệt và toàn diện. Vì sao điều tưởng chừng phi lý này lại rất có lý và có lợi cho Iran?

Việc Mỹ trừng phạt Iran là điều đã xảy ra và không thể tránh khỏi. Tehran sẽ nhân cơ hội này để đẩy nhanh chương trình hạt nhân và gia tăng các hoạt động quân sự ở Syria, Iraq, Lebanon, Yemen, Palestine… để đạt đến một cấp độ mới về công nghệ hạt nhân và vị thế cao hơn ở Trung Đông; trước khi đồng ý ngồi tiếp vào bàn đàm phán.

Nếu áp lực buộc Iran phải đồng ý đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới theo yêu cầu của Washington, các nhà lãnh đạo của họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ và EU với thực lực mạnh hơn và lợi thế lớn hơn thời điểm hiện nay.

Đây là chiến thuật mà Triều Tiên đã thực hiện vô cùng thành công, để cứ sau mỗi vòng trừng phạt thì thực lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên lại cao thêm một chút và đến bây giờ, khi ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán với ông Donald Trump, Bình Nhưỡng đã làm chủ công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Như vậy, khi nhà lãnh đạo Rouhani nói hôm 10/5 rằng, chính Mỹ và Israel chứ không phải là Iran, là bên “làm gia tăng căng thẳng mới trong khu vực”, ông đã kéo dài thời gian để Iran bắt đầu đi bước tiếp theo là nối lại các hoạt động làm giàu nhiên liệu hạt nhân và gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/iran-bo-jcpoa-tai-khoi-dong-hat-nhan-thuoc-bai-trieu-tien-3358046/