Iran cảnh báo 'xé vụn' thỏa thuận hạt nhân

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 18-10 khẳng định Iran sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân, song cảnh báo nếu Mỹ 'xé' thỏa thuận này thì 'Iran cũng sẽ xé vụn nó'.

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 18-10 khẳng định Iran sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân, song cảnh báo nếu Mỹ “xé” thỏa thuận này thì “Iran cũng sẽ xé vụn nó”.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố sẽ xé vụn thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ xé bỏ thỏa thuận này. Ảnh: AFP

“Không thể chấp nhận”

Ông Khamenei khẳng định Iran quyết tâm duy trì chương trình tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của mình, bất chấp sức ép của Châu Âu và Mỹ đòi Tehran chấm dứt nỗ lực mà họ nói là chỉ mang tính phòng thủ này. Lãnh tụ Iran nhấn mạnh Tehran không chấp nhận sức ép từ các nước Châu Âu về chính sách khu vực và chương trình tên lửa của nước này. "Sự can thiệp của Châu Âu vào chương trình tên lửa và chính sách khu vực của Iran... việc các nước Châu Âu theo sau chính sách bắt nạt của Mỹ là điều không thể chấp nhận đối với Tehran”, ông Khamenei nêu rõ.

Lãnh tụ Iran đồng thời cũng kêu gọi Châu Âu hành động để ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận thỏa thuận này. “Chính phủ các nước Châu Âu đã nhấn mạnh vấn đề thỏa thuận hạt nhân và lên án các phát ngôn của tổng thống Mỹ. Chúng tôi hoan nghênh động thái này nhưng điều đó là không đủ nếu họ chỉ nói ông ta đừng xé bỏ thỏa thuận”, phát ngôn của lãnh tụ Khamenei được đăng tải trên trang mạng chính thức của ông. Phát biểu trên cho thấy lãnh đạo tối cao Iran đang muốn dùng lợi ích kinh tế của Châu Âu tại nước này để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. "Thỏa thuận hạt nhân là lợi ích của họ”, ông nói.

Bất đồng giữa Mỹ và EU

Theo thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, đổi lại các lệnh trừng phạt quốc tế lên nước này sẽ được dỡ bỏ. Kể từ thời điểm đó, các doanh nghiệp đã đổ vào Iran để làm ăn. Airbus đã ký các thỏa thuận mua bán trị giá hàng tỷ USD với Iran. Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc cũng ký thỏa thuận 5 tỷ USD để giúp nước này khai thác khí đốt ngoài khơi.

Vì vậy, việc Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không xác nhận thỏa thuận hạt nhân với Iran đã gây căng thẳng với Tehran cũng như đặt Mỹ vào thế đối đầu với các bên khác tham gia ký kết thỏa thận hạt nhân Iran (trong đó có Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU)) bởi các nước cho rằng, Mỹ không thể đơn phương trì hoãn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với các cường quốc.

Giới chuyên gia nhận định căng thẳng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran đã hé lộ những bất đồng trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của (EU) và Mỹ.

Ông Christian Lequesne, Giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Science Po (Pháp), chỉ ra những điểm khác biệt rõ ràng giữa quan điểm của EU và Mỹ đối với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông Lequesne cho biết: “Tổng thống Trump muốn xem xét lại thỏa thuận, vốn đã được thương lượng trong thời gian dài và khó khăn, còn Châu Âu không cùng lập trường với ông Trump trong vấn đề này. Họ có quan điểm khác biệt, họ muốn duy trì thỏa thuận như cách nó đã được đàm phán, và hướng tới việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Do đó chúng ta thấy sự khác biệt rõ ràng ở đây. Tại Nga bạn có thể nghe thấy thuật ngữ "phương Tây", ngụ ý Châu Âu và Mỹ, tuy nhiên đây là một ví dụ cho thấy lập trường khác biệt giữa Châu Âu và Mỹ”. Cũng theo chuyên gia này, tại Châu Âu tồn tại tiếng nói thống nhất hoàn toàn liên quan tới các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Một chuyên gia khác là Thierry Coville, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế Pháp (IRIS), cho rằng EU hiện đang quan ngại trước khả năng các nghị sĩ Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran. Ông Coville nhấn mạnh: “Các đối tác EU tham gia thỏa thuận sẽ lo lắng nếu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu nhất trí áp đặt trừng phạt và Mỹ rút khỏi thỏa thuận, bởi không có văn kiện nào thay thế thỏa thuận này”. Tuy nhiên, ông Coville cũng cho rằng Tổng thống Trump không thực sự “đi đến cùng” trong tuyên bố của mình, bởi ông đã để cho Quốc hội quyết định vấn đề áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran.

Cả hai chuyên gia trên cùng loại trừ khả năng Iran tham gia các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Ông Lequesne nhấn mạnh Iran có ý nghĩa quan trọng đối với Châu Âu vì là một bên đóng vai trò then chốt tại Trung Đông, nhất là trong giải quyết một số cuộc xung đột như ở Syria.

THÚY NGỌC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_173849_iran-canh-bao-xe-vun-thoa-thuan-hat-nhan.aspx