Iran đề cao vai trò quan trọng của các nước láng giềng

Sau chuyến thăm 2 ngày đến Iraq, ngày 27/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã nêu bật vai trò quan trọng chủ chốt của các nước láng giềng đối với nước CH Hồi giáo này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Zarif cho biết đã có cuộc thảo luận "tuyệt vời" với các nhà lãnh đạo Iraq, trong đó có Tổng thống Barham Salih và Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi. Ông nhấn mạnh các nước láng giềng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tehran, đồng thời khẳng định Iran hoan nghênh vai trò "nòng cốt" của Iraq trong khu vực. Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cũng đánh giá cao các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Hồi giáo cấp cao dòng Sunni và Shiite ở Iraq.

Trước đó, ông Zarif đã dẫn đầu phái đoàn cấp cao Iran thăm Iraq nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như thảo luận các vấn đề trong khu vực. Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iraq Fuad Hussein ngày 26/4, Ngoại trưởng Zarif tuyên bố Iran sẵn sàng tăng cường hợp tác với Iraq về năng lượng, kết nối đường sắt và chống buôn bán ma túy.

Cùng ngày, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã phát tín hiệu hòa giải tới quốc gia láng giềng Iran với tuyên bố rằng ông tìm kiếm mối quan hệ "hữu nghị" với Tehran, sau khi các nguồn tin cho biết hai bên đã có những cuộc đàm phán bí mật tại thủ đô Baghdad của Iraq.

Trong cuộc phỏng vấn phát trên truyền hình cuối ngày 27/4, Thái tử bin Salman nêu rõ: "Iran là một nước láng giềng và tất cả chúng tôi đều muốn có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Iran. Chúng tôi không muốn tình hình Iran trở nên khó khăn. Ngược lại, chúng tôi muốn Iran phát triển…và thúc đẩy khu vực cũng như thế giới tiến tới thịnh vượng".

Những tuyên bố trên đánh dấu một sự thay đổi về thái độ của Thái tử Saudi Arabia, vì trong các cuộc phỏng vấn trước đó ông thường chỉ trích Iran và cáo buộc nước này gây mất an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, ông Salman không đề cập đến bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tehran, dù trước đó tờ Financial Times đưa tin quan chức hai bên đã có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai quốc gia sau 4 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Theo báo này, vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Baghdad của Iraq vào ngày 9/4, bao gồm các cuộc thảo luận về các vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia do phiến quân Houthi tại Yemen thực hiện. Riyad luôn cáo buộc Iran hậu thuẫn phiến quân Houthi.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Iran có các cuộc đàm phán tại Áo nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc cùng Đức).

Là quốc gia ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận để buộc Iran trở lại đàm phán sửa đổi nội dung thỏa thuận, Saudi Arabia được cho là không ủng hộ khôi phục thỏa thuận cũ. Nước này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới một thỏa thuận chặt chẽ hơn, với các tiêu chuẩn cao hơn đồng thời cho biết các quốc gia Arab sẽ tham gia đàm phán thỏa thuận đảm bảo hạn chế cả chương trình tên lửa và kiểm soát tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/iran-de-cao-vai-tro-quan-trong-cua-cac-nuoc-lang-gieng-20210428113240552.htm