Iran: Khi những người phụ nữ nổi dậy

Các cuộc biểu tình nổ ra theo sau cái chết của một người phụ nữ trẻ tiếp tục lan rộng trên khắp Iran. Đến thời điểm hiện tại, theo một nhóm nhân quyền, ít nhất 185 người đã thiệt mạng. Iran đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có về kinh tế, chính trị và môi trường…

Các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều vùng của Iran sau cái chết của một phụ nữ trẻ, Mahsa Amini, 22 tuổi, bị lực lượng “cảnh sát đạo đức” của Iran bắt vào đầu tháng 9 tại thủ đô Tehran, với cáo buộc không tuân theo quy định về trang phục của nước này đối với phụ nữ. Các nhà chức trách sau đó cho biết “cô bị đột quỵ trong lúc bị giam giữ” và chết trong bệnh viện vào ngày 16/9, ba ngày sau khi rơi vào trạng thái hôn mê.

Gia đình của Amini, trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, bác bỏ tuyên bố của nhà chức trách rằng cô ấy bị các bệnh nền từ trước và nói rằng có thể cô đã bị tra tấn. Một cuộc điều tra cấp nhà nước về nguyên nhân cái chết của Mahsa Amini dự kiến sẽ công bố kết quả trong vòng vài tuần.

Người biểu tình cùng với chân dung Mahsa Amini, cô gái trẻ bị “cảnh sát phong tục” Iran bắt giữ và đã chết trong tù.

Người biểu tình cùng với chân dung Mahsa Amini, cô gái trẻ bị “cảnh sát phong tục” Iran bắt giữ và đã chết trong tù.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình ban đầu bùng phát ở quê hương Saqqez của Amini ở tỉnh Kurdistan, sau đó đã lan ra hầu hết 31 tỉnh của Iran. Theo báo cáo, hàng chục người đã bị giết và một số chưa rõ bị bắt. Các nhà chức trách vẫn chưa công bố số liệu chính thức. Viện dẫn "lý do an ninh", các nhà chức trách đã áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt về Internet, cấm truy cập vào các mạng xã hội và nền tảng nhắn tin bị hạn chế đi rất nhiều.

Nhưng hàng trăm clip về các cuộc biểu tình lẻ tẻ vẫn tiếp tục xuất hiện hàng ngày, trong đó người biểu tình hô vang những khẩu hiệu chống chính quyền. Trong một số video, nhiều phụ nữ đốt khăn trùm đầu và cắt trụi tóc.

Tuy nhiên, phong trào nổi dậy của những người phụ nữ Iran giờ đây đã vượt xa các hành động đơn giản như từ chối đeo mạng che mặt và những thứ trang phục khắt khe giam cầm họ. Iran đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ năm 1979. Hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ và hàng triệu người Iran phải vật lộn để tự kiếm ăn. Ở một đất nước mà phần lớn lãnh thổ được tạo thành từ các vùng đồng bằng khô cằn do khí hậu bán sa mạc, thêm vào đó là tình trạng vận hành kém của mạng lưới xử lý nước thải và ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu đã khiến 2/3 đất nước đang ở trong tình trạng căng thẳng về nước và ở một số tỉnh, hầu hết người dân không còn được tiếp cận đầy đủ với nguồn nước ngọt.

Một cuộc biểu tình ở Tehran vào ngày 19/9/2022.

Ở Iran, hơn nửa dân số là những người dưới 30 tuổi, trong các giảng đường đại học, số sinh viên nữ cũng xấp xỉ 63%. Những người Iran trẻ tuổi, vì thế có một sức nặng đáng kể đối với việc hoạch định tương lai của đất nước.

Theo một thông cáo báo chí từ Ủy ban Bảo vệ nhà báo công bố ngày 27/9, ít nhất có 23 nhà báo cũng bị “bắt giữ trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, những cuộc đụng độ khiến hàng chục người thiệt mạng”.

Vẫn còn quá sớm để nói liệu những người biểu tình có nhận được những điều tốt hơn từ phía chính quyền hay không. Nếu phong trào của họ vượt qua lằn ranh của các yêu cầu cải cách kinh tế xã hội của Iran – những cải cách bao trùm tất cả các tầng lớp lao động - và mở rộng ra trên mọi vấn đề khác của xã hội, chắc chắn những người biểu tình sẽ phải đối mặt với phản ứng cực kỳ hà khắc từ chính quyền.

Bên ngoài đất nước, cũng có các tổ chức hướng về chế độ quân chủ Iran trong quá khứ, chẳng hạn như các tổ chức được thành lập ở Mỹ. Nhưng nếu chúng ta nhận thấy trên mạng xã hội xuất hiện một tình cảm mới dành cho cựu hoàng tử Reza Pahlavi và tên của ông ta đôi khi được những người biểu tình hô vang, thì trên thực tế, hành động của ông ta rất hạn chế bởi ông ta không có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Phương Tây và các nước ở Trung Đông.

Phản ứng quốc tế trước cái chết của Amini và cuộc trấn áp đang làm tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và thế giới, vốn đang trắc trở do đình trệ trong các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trong khi Mỹ và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Iran, Liên minh châu Âu đang xem xét phương án đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức Iran liên quan đến đợt biểu tình này.

Dương Thắng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/iran-khi-nhung-nguoi-phu-nu-noi-day-i670647/