Iran - Mỹ căng như dây đàn

Thông tin Tướng Iran Qassem Soleimani (ảnh giữa) thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ ở Iraq có thể khiến mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Washington và Tehran vượt ngoài tầm kiểm soát.

 Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Trong thông báo, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết Thiếu tướng Soleimani, đứng đầu lực lượng biệt kích tinh nhuệ Quds trực thuộc IRGC, “tử vì đạo” trong một cuộc tấn công của Mỹ. Truyền thông nước này dẫn chỉ thị của lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei cử hành tang lễ 3 ngày kèm theo cảnh báo tới Washington về màn trả đũa “khốc liệt”. Cựu Tư lệnh IRGC Mohsen Rezaei, hiện đang là Thư ký hội đồng cố vấn cho lãnh đạo tối cao Khamenei, cũng thề sẽ có hành động đáp trả cứng rắn nhằm vào Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói Mỹ phải “gánh mọi hậu quả” liên quan chiến dịch ám sát Tướng Soleimani, rằng động thái của Washington chỉ khiến làn sóng bài Mỹ và Israel lan nhanh trong khu vực cũng như toàn cầu. Bộ Ngoại giao Iran hôm qua đã triệu Đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại nước này tới để bày tỏ phản đối vụ tấn công. Thụy Sĩ hiện là nước đại diện cho các quyền lợi của Mỹ tại Iran.

Theo các nhóm bán quân sự Iraq, ít nhất 3 quả tên lửa được phóng vào sân bay quốc tế Baghdad ngay sau nửa đêm 2-1 (giờ địa phương), khiến 5 thành viên cùng hai “vị khách” thiệt mạng. Xác nhận với AP, một chính trị gia cấp cao Iraq cho biết Thiếu tướng Soleimani cùng Phó chỉ huy Lực lượng Động viên Nhân dân (PMF) thân Iran Abu Mahdi al-Muhandis nằm trong số các nạn nhân. Một quan chức an ninh Iraq nói thêm, ông al-Muhandis thời điểm đó đang đi cùng những người khác đến đón Tướng Soleimani đáp chuyến bay từ Lebanon hoặc Syria.

Tướng Soleimani chuyên điều hành các hoạt động bí mật ở nước ngoài, những năm gần đây đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq cũng như hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trước đó, nhân vật được xem là quyền lực thứ hai ở Iran (chỉ sau lãnh đạo tối cao Khamenei) từng nhiều lần dính lời đồn đã chết, chẳng hạn trong vụ tai nạn máy bay năm 2006 khiến nhiều tướng lĩnh Iran thiệt mạng và vụ đánh bom năm 2012 giết chết nhiều phụ tá hàng đầu của lãnh đạo Syria. Cuối năm 2015, tiếp tục có tin ông thiệt mạng hoặc bị thương nghiêm trọng khi chỉ huy lực lượng trung thành với Tổng thống al- Assad chiến đấu ở Aleppo.

Chỉ thị của ông Trump

Quốc hội Mỹ chia rẽ

Vụ không kích của Mỹ đang khiến quốc hội nước này chia rẽ. Theo phe Cộng hòa, quyết định của Tổng thống Trump cho thấy Washington có thể thực thi chiến lược kiềm chế nhưng sẽ trả đũa thích đáng nếu đối phương vượt qua “lằn ranh đỏ”. Về phần đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chỉ trích tổng thống hành động mà không tham khảo ý kiến quốc hội; đồng thời quan ngại động thái này kích hoạt phản ứng của Iran, châm ngòi chiến tranh khu vực trong khi Washington vẫn không có chiến lược cụ thể nào.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chiến dịch không kích được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump. Trong tuyên bố, Lầu Năm Góc cáo buộc tướng Iran “tích cực xây dựng kế hoạch tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao và nhân viên Mỹ không chỉ ở Iraq mà trên toàn khu vực”. Ông Soleimani cũng bị tố chịu trách nhiệm vụ người biểu tình bao vây và đụng độ lính Mỹ tại đại sứ quán nước này ở Thủ đô Baghdad hồi đầu tuần. Tuyên bố nói rõ hành động của quân đội Mỹ là nhằm ngăn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai, bảo vệ nhân viên Mỹ ở nước ngoài.

Theo giới phân tích, việc Washington lên tiếng chịu trách nhiệm vụ không kích dẫn đến cái chết của Tướng Soleimani phản ánh thay đổi chiến lược của chính quyền Trump trong cách tiếp cận Cộng hòa Hồi giáo sau nhiều tháng căng thẳng. Mâu thuẫn vốn bắt nguồn từ quyết định của Tổng thống Trump năm 2018, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Hàng loạt sự kiện sau đó đẩy hai bên vào thế đối đầu, bao gồm vụ Tehran bắn hạ máy bay không người lái của quân đội Mỹ; việc Washsignton đổ lỗi Iran đứng sau các cuộc tấn công tàu chở dầu và vụ cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị máy bay không người lái và tên lửa tấn công hồi tháng 9 năm ngoái.

Chính quyền Trump thời điểm đó ngoài đe dọa và trừng phạt kinh tế thì gần như không hành động. Nhưng sau sự kiện hôm 2-1, các nhà quan sát nhận định đây là bước ngoặt ở Trung Đông khi mở ra chương mới trong cuộc đấu giữa Iran với Mỹ và những đồng minh trong khu vực (điển hình là Israel và Saudi Arabia). Trong đó, giới phân tích quan ngại mối quan hệ thù địch có thể châm ngòi hành động “ăn miếng trả miếng” và đẩy Trung Đông vốn bất ổn tới bờ vực chiến tranh.

MẠNH TRƯỜNG (Theo Reuters, AP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/iran-my-cang-nhu-day-dan-a116815.html