Iran nã tên lửa căn cứ Mỹ: Tranh cãi chuyện không thương vong

Trong khi Mỹ nói không thương vong vì nhờ mình phản ứng tốt thì nhiều nhà quan sát cho rằng đó là chủ ý của Iran.

Không có bất cứ thương vong nào trong vụ Iran nã hàng chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ tại Iraq tuần trước trong chiến dịch trả thù cho Tướng Qasem Soleimani bị Mỹ tiêu diệt ngày 3-1.

Trong hai giờ, căn cứ Ayn al-Asad hứng tổng cộng 11 quả tên lửa đạn đạo do Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nã sang.

Căn cứ Ayn al-Asad sau khi hứng tên lửa Iran. Ảnh: TWITTER

Căn cứ Ayn al-Asad sau khi hứng tên lửa Iran. Ảnh: TWITTER

Sau vụ việc, nữ Trung tá không quân Mỹ Staci Coleman chỉ huy lực lượng Mỹ tại căn cứ không quân Ayn al-Asad (căn cứ hứng phần lớn tên lửa Iran) phải thốt lên với Reuters rằng chuyện không có ai bị thương “thật thần kỳ”. Có tổng cộng 2.000 binh sĩ tại căn cứ này, bao gồm 1.500 lính liên quân do Mỹ dẫn đầu và 500 lính Iraq.

Mỹ: Nhờ sơ tán kịp thời

Chuyện này gây ngạc nhiên lớn vì khả năng này khó xảy ra. Và nhiều chuyên gia bắt đầu vào cuộc tìm hiểu, tranh luận vấn đề nằm ở đâu.

Căn cứ Ayn al-Asad sau khi hứng tên lửa Iran. Ảnh: TWITTER

Reuters dẫn lời nhiều sĩ quan Mỹ nói việc bảo vệ binh sĩ thành công là nhờ vào các chỉ huy tại căn cứ, vì sự thực Mỹ không có hệ thống phòng không Patriot tại căn cứ này. Và sở dĩ không có thương vong vì trước khi vụ tấn công xảy ra binh sĩ tại căn cứ đã được sơ tán kịp thời chứ không phải vì lòng nhân đạo của Iran.

Một ngày sau vụ tấn công, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói với báo chí rằng dựa vào những gì ông thấy và biết thì “họ (Iran-PV) cố ý gây hư hại cấu trúc hạ tầng, phá hủy xe cộ và máy bay, và cả giết binh sĩ”.

“Tất cả những gì tôi có thể nói với các bạn, thực sự, các tên lửa rơi tại nhiều điểm cố định ở một khu đông người và chúng gây một số thiệt hại xác định …” - Tướng Milley nói.

Căn cứ Ayn al-Asad sau khi hứng tên lửa Iran. Ảnh: TWITTER

“Vụ tấn công được thiết kế và tổ chức để gây ra nhiều thương vong hết sức có thể” - Trung tá Tim Garland, chỉ huy biệt đội Jazeera và là một sĩ quan cấp cao tại căn cứ Ayn al-Asad nói với báo Washington Post. Trung tá Garland cho biết các tên lửa bay sang căn cứ nhiều đợt, cách nhau tầm 15 phút.

Iran chủ ý?

Trong khi Mỹ nói không có thương vong vì mình đối phó tốt thì nhiều nhà phân tích lại có ý kiến khác, dựa vào các thông tin vụ tấn công, kể cả các hình ảnh vệ tinh chụp các mục tiêu tên lửa nã vào.

Theo quan điểm chung của các nhà phân tích, không có thương vong là ý đồ của Iran chứ không hẳn nhờ khả năng đối phó của Mỹ. Cụ thể, Iran cố tình thiết kế các tên lửa nhắm vào các địa điểm đặt thiết bị, khí tài thay vì giết hại nhân mạng.

Căn cứ Ayn al-Asad sau khi hứng tên lửa Iran. Ảnh: TWITTER

Theo trang tin quốc phòng Defense News, Iran nhắm tới căn cứ Ayn al-Asad ở tỉnh Anbar phía đông Iraq và căn cứ Erbil ở bắc Iraq là vì hai căn cứ này thiếu hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Quyết định này của Iran còn nhằm nhấn mạnh sự thiếu sót của Mỹ trong triển khai khí tài quân sự ở khu vực. Phần lớn hệ thống phòng không Patriot của Mỹ được triển khai ở các căn cứ trực thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ (CENTCOM - phụ trách khu vực Trung Á và Trung Đông). Các căn cứ này nằm ở Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Các căn cứ ở Iraq và đông Syria ít được Mỹ ưu tiên trang bị hệ thống Patriot.

Hình ảnh vệ tinh chụp các nhà chứa máy bay và các khu nhà chứa thiết bị ở căn cứ Ayn al-Asad bị Iran nã tên lửa. Ảnh: PLANET

Thứ nữa, Iran có cảnh báo với chính phủ Iraq về chuyện tấn công hơn 90 phút trước khi bắt đầu nã tên lửa, để Iraq thông báo cho liên quân do Mỹ dẫn đầu có thời gian sơ tán. Và thực tế diễn ra đúng ý Iran. Văn phòng Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi thông báo với lực lượng Mỹ khoảng 30 phút trước khi vụ tấn công bắt đầu. Hệ thống radar của Mỹ cũng phát hiện được việc Iran phóng các tên lửa đạn đạo từ các địa điểm từ tỉnh Kermanshah phía tây Iran.

Thành công hay thất bại với Iran?

Một ngày sau khi xảy ra vụ việc, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ) nhận định tính chính xác của tên lửa “có thể cho phép Iran tránh giết quân nhân Mỹ, vì thế vừa đạt được hiệu quả chiến lược vừa tối thiểu hóa rủi ro căng thẳng leo thang hơn”.

“Một số chi tiết của vụ tấn công cũng dường như chỉ ra mức độ kiềm chế về phía Iran. Iran cảnh báo trước với chính phủ Iraq, cho các lực lượng Mỹ, Iraq và các nước khác có thời gian chuẩn bị. Tính chính xác của vụ tấn công có thể cho phép Iran chọn lựa cẩn thận các mục tiêu để tránh gây thương vong, để Mỹ dễ dàng hơn trong giảm căng thẳng” - CSIS nhận định.

Ảnh vệ tinh cho thấy có ít nhất năm khu hạ tầng ở căn cứ Ayn al-Asad bị hư hại sau khi Iran nã tên lửa. Ảnh: PLANET

Việc không có thương vong trong trường hợp này là một thành công chứ không phải thất bại với Iran. Mặt khác, vụ nã tên lửa có thể là sự cảnh báo về khả năng sẽ có thêm các cuộc tấn công nữa trong tương lai, CSIS nhận định. CSIS có ảnh hưởng lớn với chính sách đối ngoại Mỹ.

Tương tự, sau khi xem xét các bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ Ayn al-Asad bị Iran nã tên lửa, nhà phân tích David Schmerler tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) cũng cho rằng IRGC đã cố tình tối thiểu hóa thương vong.

Từ phân tích các video quay hiện trường, báo Daily Mail cho rằng nhiều khả năng Iran phần lớn đã sử dụng hai loại tên lửa đạn đạo Fateh-110 và Qiam-1 trong vụ này. Tại sao Iran chọn sử dụng tên lửa đạn đạo mà không phải vũ khí khác? Chia sẻ với Fox News, cựu binh Jim Hanson (từng phục vụ trong Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, hiện là chủ tịch tổ chức SSG chuyên nghiên cứu an ninh Mỹ) nói đây là sự chọn lựa rất kỹ của Iran.

Theo ông, việc chọn nã tên lửa đạn đạo chứ không phải một loại vũ khí khác hay hình thức tấn công có sức phá hủy mạnh hơn, như bom hay tấn công trực tiếp, cho thấy Iran chỉ muốn trả thù cho Tướng Soleimani chứ không thực sự muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh với Mỹ.

Iran biết Mỹ có khả năng phòng thủ tên lửa. Vụ nã tên lửa vừa rồi vừa giúp Iran lấy lại được thể diện sau cái chết của Tướng Soleimani, vừa không kích động Mỹ quá đáng khi nó không giết lính Mỹ.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/iran-na-ten-lua-can-cu-my-tranh-cai-chuyen-khong-thuong-vong-883964.html