Iran-Nga-Trung Quốc sẽ thay đổi cán cân quyền lực Trung Đông

Thỏa thuận chính trị, kinh tế, quân sự toàn diện trong 25 năm giữa Iran với Nga và Trung Quốc sẽ thay đổi cán cân quyền lực Trung Đông.

Thỏa thuận chiến lược Iran-Trung Quốc

Iran đã ngả về Trung Quốc để đổi lấy sự đảm bảo an ninh chống lại phương Tây. Chiến lược "Hướng về phía Đông" của chính quyền Tehran sẽ ngăn cản bất kỳ thỏa thuận mới nào với phương Tây.

Vào cuối tháng 3, tin tức về việc ký kết thỏa thuận chiến lược Iran-Trung Quốc trong thời gian 25 năm đã làm rúng động thế giới. Chính quyền Tehran dường như đã nhượng tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, cơ sở hạ tầng và thị trường của Iran cho Trung Quốc trong một phần tư thế kỷ để đổi lấy sự đảm bảo an ninh chống lại phương Tây.

Thỏa thuận kéo dài 25 năm là một loạt các thỏa thuận ba bên toàn diện, bao gồm hợp tác quân sự và an ninh sâu rộng giữa Iran, Trung Quốc và Nga, một tầm nhìn xa hơn hàng thập kỷ với với tiềm năng thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở Trung Đông.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga sẽ có quyền truy cập không hạn chế vào các căn cứ không quân của Iran và tàu chiến của họ sẽ đóng tại các cảng của Iran trên Vịnh Ba Tư và Biển Oman.

Ngoài ra, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga sẽ được lắp đặt trên khắp Iran, có thể được liên kết với Bộ chỉ huy chiến lược chung phía Nam của Nga và sau đó với các hệ thống của Trung Quốc.

Các sĩ quan IRGC sẽ đến Bắc Kinh và Moscow hàng năm và các sĩ quan Nga và Trung Quốc đến Tehran, để huấn luyện an ninh và quân sự.

Cảm thấy an toàn hơn do có quan hệ đối tác nhiều mặt, bộ ba đã trở nên công khai đối đầu hơn đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Chính sách của Mỹ đang đẩy Iran vào vòng tay Nga và Trung Quốc

Chính sách của Mỹ đang đẩy Iran vào vòng tay Nga và Trung Quốc

Cả Nga và Trung Quốc đều mạnh mẽ bảo vệ dự án “hạt nhân dân dụng” của Iran. Cả hai nước đều phản đối mạnh mẽ nghị quyết do Mỹ đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran để ngăn chặn việc bán và xuất khẩu vũ khí thông thường của Tehran, cho phép Iran tiếp tục mua sắm, thay đổi công nghệ quân sự.

Giao ước ba bên đầy tham vọng là một cái gai trong lòng phương Tây và nó đặt bộ ba vào một lộ trình va chạm không thể tránh khỏi với Hoa Kỳ với tư cách là thủ lĩnh của thế giới phương Tây.

Chính sách của Mỹ là sai lầm chết người?

Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ mối lo ngại về quá trình dịch chuyển về phía Đông của Tehran, nhưng ông vẫn hy vọng rằng, một thỏa thuận hạt nhân mới có thể được ký kết với Iran.

Điều này là mâu thuẫn, vì Washington đã lựa chọn một cách tiếp cận sai lầm, khi áp dụng chiến lược gây sức ép toàn diện và cứng rắn với một đối thủ có lòng tự tôn rất cao.

Theo chiều ngược lại, Tehran đã có biện pháp giảm thiểu hậu quả của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và ngăn cản một cách hiệu quả triển vọng cho bất kỳ thỏa thuận khả thi nào với phương Tây, bằng cách quay sang phương Đông, dựa dẫm vào Nga và Trung Quốc.

Về phía Nga và Trung Quốc, hai nước này cũng đang bị Mỹ áp đặt một chính sách tương tự như đối với Iran, nên Moscow và Bắc Kinh cũng đã tìm đến nhau để phối hợp hành động, trước hết là hợp tác đối phó giảm thiểu tác hại từ các lệnh trừng phạt của Washington, phá vỡ vòng vây của phương Tây; sau đó là phá vỡ thế đơn cực, hình thành một cực đối trọng với Mỹ.

Iran từ lâu đã là một đồng minh đáng tin cậy của Nga ở Trung Đông, vị thế và vai trò của nước này rất quan trọng đối với sự khôi phục quyền lực chính trị-quân sự bao trùm Trung Đông của Liên Xô cũ và ý đồ gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này của chính quyền Bắc Kinh.

Do đó, những chính sách cực đoan của Mỹ chính là điều mà Moscow và Bắc Kinh đang cần để ngày càng gắn chặt Tehran vào một liên kết bền chặt để đối trọng với Mỹ-Israel-Saudi ở vùng Vịnh. Và thỏa thuận chiến lược Iran-Trung Quốc là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Sự dịch chuyển về phía đông của Iran là lý do tại sao bất kỳ hy vọng nào của chính quyền Biden về việc đạt được một thỏa thuận mới với chính quyền Tehran đều là hy vọng viển vông.

Mỹ đã sai trong cách tiếp cận với Nga, Trung Quốc và lại đang tiếp tục lặp lại sai lầm đối với Iran.

Chừng nào Mỹ vẫn còn giữ thái độ bề trên, cương quyết không hủy bỏ các lệnh trừng phạt độc đoán thì Iran vẫn sẽ không ngồi vào bàn đàm phán và sẽ ngày càng ngả vào vòng tay Nga-Trung, hy vọng về một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ ngày càng lịm tắt.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/iran-nga-trung-quoc-se-thay-doi-can-can-quyen-luc-trung-dong-3430642/