Iran nỗ lực xây dựng hệ thống phòng không nội địa

Trong vài năm trở lại đây, Iran đang rất tích cực giới thiệu các sản phẩm vũ khí phòng không mới tự sản xuất trong nước với những lời quảng cáo về tính năng tương đương các dòng vũ khí phòng không hàng đầu thế giới của Nga và Mỹ. Dù đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Tehran, nhưng giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, Iran sẽ cần thêm nhiều thập kỷ để chứng minh sức mạnh của các tổ hợp tên lửa phòng không nội địa.

Những lời giới thiệu có cánh về vũ khí phòng không nội địa

Đầu những năm 2000, nền tảng của hệ thống phòng không Iran được xây dựng trên cơ sở các tổ hợp vũ khí phòng không nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc, cũng như một số thành phần đến từ Mỹ. Tuy nhiên, các lệnh bao vây, trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã khiến Iran khó có thể tiếp cận và nâng cấp hệ thống phòng không thông qua con đường nhập khẩu. Điều này đã buộc quốc gia Cận Đông này đẩy mạnh phát triển sản xuất nội địa và thành quả đã được chứng minh sau hơn một thập kỷ.

Hiện tại, Iran cơ bản đã tự sản xuất được hầu hết các tổ hợp tên lửa, vũ khí phòng không đủ các tầm cho hệ thống phòng thủ. Mới đây nhất, vào cuối tháng 8-2019, Iran đã cho ra mắt tổ hợp tên lửa Bavar-373 với lời giới thiệu là nó có tính năng hơn cả các tổ hợp tên lửa phòng hiện đại S-300PMU-2 (Nga) hay THAAD (Mỹ)… Bavar-373 có tầm bắn tới 200km, trần cao 27km và khả năng ngăn chặn các mục tiêu tàng hình và phòng thủ tên lửa; có tính năng chiến đấu tiệm cận tổ hợp S-400.

 Iran đã liên tục giới thiệu các tổ hợp tên lửa phòng không nội địa với tính năng vượt trội so với sản phẩm vũ khí cùng phân khúc trên thế giới. Ảnh: Defense News.

Iran đã liên tục giới thiệu các tổ hợp tên lửa phòng không nội địa với tính năng vượt trội so với sản phẩm vũ khí cùng phân khúc trên thế giới. Ảnh: Defense News.

Cùng với Bavar-373, trước đó Iran giới thiệu dòng tên lửa phòng không nội địa khác là Khordad-15 với tầm bắn đạt tới 120km. Đây chính là vũ khí phòng không được cho là đã bắn hạ máy bay trinh sát MQ-4C của Mỹ trên vịnh Ba Tư mới đây. Các tổ hợp tên lửa Talash và Ra'ad / Ra'ad-2 của Iran cũng rất đáng chú ý khi chúng được coi là bản sao từ tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ và Buk-M2E (Nga).

Điểm đáng chú ý là dù chưa chứng minh được hiệu quả thực chiến trên chiến trường, nhưng Iran đều dành lời lẽ hoa mỹ để nói về các dòng vũ khí phòng không nội địa với tầm bắn đều vượt xa so với các sản phẩm cùng phân khúc. Thậm chí, chúng có những tính năng mà các tổ hợp phòng không hiện đại, đã chứng minh hiệu quả trong thực chiến trong cùng phân khúc phải chịu thua.

Tuy nhiên, những thông tin về năng lực của các tổ hợp vũ khí phòng không của Iran ngoài những tuyên bố chính thức, rất khó có thể tiếp cận với những thông số kỹ-chiến thuật cụ thể. Để đánh giá về hiệu quả hoạt động của một tổ hợp vũ khí cần rất nhiều yếu tố. Đối với tên lửa phòng không, để khẳng định được khả năng chiến đấu cần có những thông tin liên quan tới thuật phóng đạn, phương thức dẫn bắn, tỷ lệ đánh chặn, năng lực hoạt động trong môi trường đối kháng điện tử… Những thông tin do Iran công bố hoàn toàn thiếu những thông số này. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về năng lực tác chiến thực sự của các tổ hợp vũ khí phòng không Iran tự phát triển.

Chiến công bắn hạ thiết bị bay không người lái Mỹ MQ-4C bằng vũ khí phòng không nội địa cũng chứng minh được một phần năng lực phòng không của Iran. Ảnh: IRNA.

Iran còn chặng đường dài phải vượt qua

Ngành công nghiệp quốc phòng Iran mới được tập trung đầu tư, phát triển trong khoảng 2-3 thập niên qua. So với các nước trên thế giới, nó thực sự còn quá non trẻ. Đối với ngành phát triển đặc thù có tính kế thừa cao như công nghiệp quốc phòng, việc Iran tuyên bố tự phát triển được các loại vũ khí hiện đại trong thời gian ngắn rất đáng nghi ngờ.

Trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận từ những năm 1970 tới nay, nền tảng các ngành kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực dân sự và quân sự của Iran vẫn còn rất sơ khai. Dù Iran đã đạt được những thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, nhưng công nghiệp quốc phòng của quốc gia Trung Đông vẫn còn rất nhiều hạn chế. Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, các sản phẩm vũ khí do Iran chế tạo lạc hậu hơn so với sản phẩm hiện hành trên thế giới khoảng 2-3 thế hệ.

Hiện tại, nguồn tiếp cận công nghệ quốc phòng chính của Iran là từ Trung Quốc, vốn chưa phải là siêu cường hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Mặt khác, các loại công nghệ chuyển giao cho Tehran cũng không phải là loại tiên tiến nhất của Trung Quốc. Chính vì thế, Iran chưa thể có bước tiến dài công nghệ để tự khẳng định có đủ khả năng tự sản xuất được các loại vũ khí phòng hiện đại có tính năng tiệm cận với thế giới.

Để chứng minh luận điểm trên, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok cho biết, Iran đặc biệt so sánh tổ hợp tên lửa Bavar-373 với dòng tên lửa S-300PMU-2 của Nga. Tuy nhiên, ngay từ những thông số được công khai, Bavar-373 đã không thể vượt qua tầm bắn 250km của S-300PMU-2. Mặt khác, Iran không nói rõ trần bắn tối thiểu của tên lửa. Trong các bài bắn thử, S-300PMU-2 đã chứng minh khả năng bắn các mục tiêu bay ở độ cao tối thiểu 10m dựa trên các thuật toán dẫn đường và đài chiếu xạ dẫn bắn đặc biệt. Các yếu tố này hoàn toàn thiếu ở Bavar-373. Dựa trên những nền tảng công nghệ Iran được tiếp cận, Bavar-373 chỉ đủ khả năng đánh chặn các mục tiêu bay ở độ cao tối thiểu là 30-40m, tương đương với tổ hợp tên lửa HAWK (do Mỹ chế tạo) có trong biên chế quân đội nước này.

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng Iran sẽ cần thêm nhiều thập niên để có thể chế tạo ra các loại vũ khí đủ độ tin cậy như sản phẩm nhập khẩu. Ảnh: PressTV.

Một yếu tố khác để so sánh là tỷ lệ đánh trúng mục tiêu. Trong điều kiện lý tưởng, S-300PMU-2 đạt tỷ lệ tới 90%, nhưng trong tác chiến, tỷ lệ này chỉ khoảng 60-80% và đối với mục tiêu bay thấp, tỷ lệ giảm xuống còn 30-50%. Con số này ở tổ hợp Patriot vào khoảng 25-40%. Đáng tiếc là Iran hoàn toàn không công bố các thông tin liên quan của tổ hợp Bavar-373. Cùng với đó là khả năng kháng nhiễu và hoạt động trong môi trường tác chiến điện tử. Các tổ hợp vũ khí hiện đại hoạt động tốt trong môi trường điện tử dày đặc là nhờ kho mẫu nhiễu được lưu lại trong bộ nhớ để phân biệt mục tiêu với nhiễu môi trường. Điều này chỉ có được ở các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển qua hàng thập kỷ tích lũy. Tuy nhiên, Iran thiếu điều này. Chính vì thế, Tehran rất khó có thể chứng minh rằng tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại bậc nhất của mình đã đủ để vươn tầm ra thế giới.

Về năng lực chế tạo vũ khí phòng không của Iran, chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov đánh giá, các tổ hợp tên lửa phòng không Bavar-373 và Khordad-15 có thể coi là nỗ lực đáng ghi nhận của Iran trong tự chủ quốc phòng. Tuy nhiên, để năng lực của các loại vũ khí nội địa của Iran tiệm cận thế giới sẽ còn mất nhiều thập kỷ, thậm chí là so với Trung Quốc sẽ phải mất ít nhất là 15 năm.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/iran-no-luc-xay-dung-he-thong-phong-khong-noi-dia-592713