Iran sẽ sớm tung 'đòn' trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ

Trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu Stratfor, có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng nhiều khả năng Iran sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động gây hấn trong thời gian tới bởi cơ hội để làm được điều đó đang rộng mở.

Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran sẽ vẫn tiếp tục chiến lược đáp trả của mình. (Nguồn: Getty Images)

Đúng một năm trước, Mỹ đã áp thêm các lệnh trừng phạt đối với ngành xuất khẩu dầu khí của Iran sau khi Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015. Kể từ đó đến nay, Chính quyền Trump liên tục gia tăng sức ép với Iran.

Để đáp trả, Iran đã thực thi chiến lược gây hấn nhằm buộc Mỹ phải trả giá đắt cho chiến dịch trừng phạt nhắm vào họ bằng cách tấn công các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu khí của các nước đồng minh Trung Đông thân cận với Mỹ.

Mặc dù Iran chưa bao giờ công khai thừa nhận đứng đằng sau hoặc có liên quan đến bất kỳ vụ tấn công lớn nào nhằm vào các mục tiêu lớn ở khu vực vịnh Persia (kể cả các cơ sở sản xuất dầu khí hay các cơ sở hạ tầng khác) kể từ khi xảy ra vụ việc hai nhà máy sản xuất dầu Abqaiq và Khurais của Saudi Arabia bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào ngày 14/9, nhưng nguy cơ chiến tranh leo thang vẫn hiện hữu bởi Mỹ vẫn duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” nhằm vào Iran và chế độ hiện đang nắm quyền tại quốc gia này.

Khó khăn bủa vây

Trong thời gian tới, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vì Iran đã tuyên bố những bước tiếp theo của họ nhằm giảm bớt cam kết và rút dần khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 vào ngày 7/11/2019.

Kể từ sau khi xảy ra các vụ tấn công vào ngày 14/9, Mỹ đã gia tăng đáng kể sức ép đối với Iran thông qua nhiều lệnh trừng phạt bổ sung khiến Iran gần như không thể nhập khẩu được gì, kể cả các nhu yếu phẩm, thuốc men và hàng hóa viện trợ.

Đầu tiên, vào ngày 20/9, Mỹ trực tiếp đáp trả các vụ tấn công Saudi Arabia bằng việc áp lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương và Quỹ phát triển quốc gia của Iran theo sắc lệnh 13224 với lý do Iran đã cung cấp tài chính cho 2 lực lượng mà Mỹ đã xác định là 2 tổ chức khủng bố - Hezbollah và Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Tuyên bố của Mỹ hôm đó cũng không phải là tuyên bố đầu tiên Mỹ mà đưa ra để trừng phạt Ngân hàng trung ương Iran. Trước đó, một số lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với ngân hàng này, nhưng Mỹ vẫn cho phép có ngoại lệ đối với các giao dịch viện trợ nhân đạo thông qua ngân hàng.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới theo sắc lệnh 13224 không bao gồm các điều khoản ngoại lệ và hướng dẫn của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ cũng không phân định rõ quy trình tiến hành các giao dịch kiểu như vậy.

Chính vì thế, các tổ chức tài chính nước ngoài đã ngừng các giao dịch liên quan đến hoạt động nhân đạo thông qua Ngân hàng trung ương Iran, vốn là một phần rất quan trọng trong hệ thống ngân hàng của Iran bởi nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của quốc gia này.

Mạng lưới thi hành luật pháp đối với tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã ra tuyên bố vào ngày 25/10, xác địnhh Iran là mối quan ngại hàng đầu về rửa tiền theo Mục 311, Đạo luật Yêu nước của Mỹ. Quan trọng hơn nữa là FinCEN cũng ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này – vốn đã được đề xuất từ thời cựu Tổng thống Barack Obama nhưng bị trì hoãn trong quá trình các bên liên quan đàm phán JCPOA.

Phán quyết cuối cùng này sẽ buộc các ngân hàng Mỹ phải tăng cường kiểm soát khi giao dịch với các tổ chức tài chính nước ngoài có tài khoản của Iran. Và bởi việc kiểm soát này làm phát sinh thêm chi phí nên hệ thống tài chính Mỹ nói chung và các ngân hàng nước ngoài nói riêng đều chấm dứt hợp tác hay giao dịch với các tài khoản nghi ngờ nằm trong diện được đề cập ở Mục 311.

Hiện những ảnh hưởng do sắc lệnh của Mỹ đã trở thành vấn đề chính trị ở nhiều nước. Ví dụ, các ngân hàng Malaysia, do lo ngại các ngân hàng Mỹ sẽ đóng tài khoản Malaysia nếu nước này không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã bắt đầu đóng các tài khoản cá nhân và tài khoản công ty của Iran.

Sự gia tăng các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ đối với Iran khiến tình hình trong nước Iran ngày càng khó khăn hơn. Báo cáo của Tổ chức giám sát nhân quyền ngày 29/10 đã miêu tả chi tiết những khó khăn do tình trạng thiếu thực phẩm và thuốc men ở Iran dù phía Mỹ vẫn khăng khăng cho rằng các lệnh trừng phạt của họ không nhằm vào các giao dịch liên quan tới viện trợ nhân đạo.

Giờ đây khi Bộ Tài chính Mỹ đã ra phán quyết cuối cùng, Iran sẽ phải tiến hành cải tổ đáng kể, kể cả thông qua các dự luật từ lâu đã bị trì hoãn để điều chỉnh sao cho phù hợp với những quy tắc của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố nếu muốn FinCEN đảo ngược các phán quyết của họ.

Điều đáng nói hơn nữa là, kể cả khi phán quyết có được đảo ngược thì cũng vẫn không đủ sức thuyết phục để các tổ chức tài chính nước ngoài nhanh chóng cho phép mở lại ngay các tài khoản liên quan đến Iran, và như vậy những lợi ích kinh tế mà Iran có thể được hưởng nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ cũng sẽ rất hạn chế.

Cơ hội cho Iran

Những động thái mới của Chính quyền Mỹ sẽ gây thêm khó khăn cho châu Âu trong việc xây dựng các cơ chế tài chính dành riêng cho các giao dịch viện trợ nhân đạo như Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX).

Mà ngay cả INSTEX cũng đã trở thành mục tiêu công kích của các quan chức Iran khi họ tuyên bố sẽ không thông qua bất kỳ đạo luật nào nữa để phù hợp với các quy chế của INSTEX.

Iran vẫn còn thời gian từ nay đến giữa tháng 2/2020 để đáp ứng các tiêu chuẩn về chống rửa tiền và chống khủng bố của FATF. Nếu Iran không làm được như vậy, thì FATF chắc chắn sẽ tiến hành các biện pháp đối phó với Iran, vốn được tạm ngưng kể từ năm 2016.

Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran sẽ vẫn tiếp tục chiến lược đáp trả của mình và rất có thể một số sự kiện lớn sắp diễn ra trong thời gian tới sẽ là cơ hội cho Iran tiến hành kế hoạch của mình.

Đầu tiên là thời hạn 60 ngày lần thứ tư Iran đưa ra cho các nước châu Âu để họ có hành động bảo vệ lợi ích của Tehran theo JCPOA đến hạn vào ngày 7/11, và Iran đã tuyên bố giảm thêm một số cam kết của mình trong thỏa thuận này.

Hiện cũng có những đồn đoán của phe bảo thủ cho rằng Tehran có thể sẽ hạn chế Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran. Nhưng động thái cực đoan như vậy, nếu xảy ra, có thể khiến cả Mỹ và IAEA thực hiện những hành động đáp trả nặng tay, nhất là khi IAEA có giám đốc mới kể từ tháng 12 tới.

Thay bằng hành động cực đoan, Iran có thể lựa chọn phản kháng mềm mỏng hơn bằng cách tiếp tục tiến hành lắp đặt thêm các máy quay ly tâm làm giàu urani nhưng cẩn trọng không để bị vượt quá ngưỡng cho phép, khiến các bên liên quan phải áp dụng quy trình giải quyết tranh chấp được quy định trong JCPOA.

Quy trình giải quyết tranh chấp này, nếu khởi động, có thể khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp thêm lệnh trừng phạt đối với Iran mà Nga hay Trung Quốc cũng không thể phủ quyết.

Có lẽ điều mà Mỹ, châu Âu và Saudi Arabia quan ngại hơn cả là Iran có thể sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia, hoặc các mục tiêu khác trong khu vực. Các cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) diễn ra trong tháng 12 hay sự kiện Công ty dầu khí nhà nước Saudi Arabia bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên trên thị trường chứng khoán trong nước cũng vào tháng 12 có thể là cơ hội để Iran tấn công các cơ sở hạ tầng dầu khí trong khu vực.

Tất nhiên, Saudi Arabia và Mỹ đều đã tăng cường bảo vệ an ninh xung quanh các cơ sở này và một cuộc tấn công quy mô lớn như hồi tháng 9 khó có thể được thực hiện trót lọt. Và các vụ tấn công Saudi Arabia của Iran cũng có thể khiến một số nước châu Âu lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn hơn khi đàm phán về chương trình tên lửa của Iran. Tehran có thể cũng đã nhận ra rằng những vụ tấn công lớn như hôm 14/9 mang tính khiêu khích quá mức và nếu được tiếp tục sẽ đẩy châu Âu lại gần hơn với Mỹ.

Tuy vậy, với việc Saudi Arabia đang trông chờ sự kiện công ty Saudi Aramco niêm yết cổ phiếu lần đầu và Mỹ vẫn tiếp tục áp các lệnh trừng phạt đối với Iran, nguy cơ chiến tranh leo thang vẫn hiện hữu. Và chính nguy cơ đó khiến cho không chỉ Saudi Arabia mà cả các nước láng giềng khác ở Trung Đông phải phấp phỏng lo ngại.

(theo Stratfor)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/iran-se-som-tung-don-tra-dua-lenh-trung-phat-cua-my-104247.html