Iran thắng cấm vận, vượt mặt khoa học công nghệ Israel?

Trong bảng xếp hạng Nhà nước khoa học, Iran đã có cú bứt phá ngoạn mục, vượt mặt Israel về thành tựu khoa học kỹ thuật.

Iran vượt mặt Israel về phát triển khoa học công nghệ

Trong hai thập kỷ qua, Iran đã đạt được những bước ngoặt lớn trong việc trở thành một siêu cường khoa học vì năng suất và hiệu quả nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của họ đã tăng trưởng đáng kể, vượt qua Israel về nghiên cứu, phát triển khoa học.

Theo ấn phẩm Haaretz, hai mươi năm trước, Israel đã dẫn đầu trong nghiên cứu khoa học ở Trung Đông. Tuy nhiên, kể từ đó, Israel đã bắt đầu đà lao dốc và hiện nay đã rơi xuống vị trí thứ tư, sau Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, trong bảng xếp hạng nghiên cứu khoa học.

Theo tờ báo Israel, Iran hiện đang dẫn đầu khu vực Trung Đông trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và chế tạo khoa học công nghệ cao như vật lý, sinh học, hóa học và quản trị kinh doanh. Trong lĩnh vực nhân văn, văn hóa và nghệ thuật, Israel vẫn duy trì vị trí hàng đầu.

Hàng năm, Scopus - một cổng nghiên cứu học thuật đã thống kê các tài liệu học thuật từ mọi quốc gia trên thế giới và công bố thứ hạng dựa trên đầu ra các báo cáo. Tính đến năm 2013, Iran đứng thứ 17 trên toàn cầu về mặt các công trình nghiên cứu tổng thể.

Chính phủ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đang chi tiêu một khoản tiền lớn cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Ngoài ra, họ cũng giành những khoản ngân sách lớn để phát triển một lực lượng lao động có tay nghề cao hơn ở các quốc gia khác.

Tuy nhiên, giới phân tích Israel không tâm phục bảng xếp hạng này bởi dữ liệu thống kê được Haaretz tích lũy không dựa trên cơ cấu dân số, có nghĩa là Iran, với dân số 80 triệu người, đã phát minh và sáng tạo ra nhiều thành tựu khoa học hơn Israel, với dân số dưới 9 triệu người.

“Năm 1996, người Iran chỉ xuất bản 960 bài báo khoa học so với khoảng 10.000 bài báo của Israel. Kể từ đó, số liệu của Iran đã tăng lên khoảng 41.000 một năm, mặc dù tính bình quân đầu người Israel vẫn xuất bản nhiều bài báo khoa học hơn các nước khác” - Haaretz đưa tin.

Hồi tháng 1/2013, Iran đã đưa thành công một chú khỉ vào không gian

Thành công nhờ phát huy nội lực

Theo ấn phẩm IDG Connect, việc không được tiếp cận với nền khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới đã khiến chính phủ Iran đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn chất xám trong nước.

Theo đó, chính quyền Tehran đã cung cấp tới 75% kinh phí nghiên cứu khoa học cho tất cả các dự án và số tiền này được phân bổ cho hầu hết các cấp giáo dục, bao gồm các Viện nghiên cứu, các trường đại học và cả các trường dạy nghề công nghiệp.

Trong hàng chục năm qua, Iran đã đạt được một số thành tựu lớn mà không nhiều nước phát triển có thể đạt được, ví dụ như tự chế tạo máy bay tàng hình Qaher-313, tàu ngầm hạt nhân, tự chế tạo vệ tinh, làm chủ công nghệ làm giàu hạt nhân và tên lửa đẩy vũ trụ (đồng nghĩa với việc có thể thành thục công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa-ICBM).

Ngay từ năm 2009, nước này đã phóng thành công vệ tinh tự chế vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy quốc nội và đến năm 2013 đã phóng tên lửa vận tải, đưa thành công một chú khỉ vào không gian và trở về trái đất an toàn.

Không chỉ là các công nghệ có liên quan đến quân sự và vũ trụ, trong các ngành khoa học khác Iran cũng đạt được những thành tựu lớn, ví dụ như chế tạo thành công 4 loại thuốc nano mới dành cho bệnh nhân ung thư, có chất lượng cao hơn và giá rẻ hơn thuốc của Mỹ và châu Âu; hay tự chế tạo thành công siêu máy tính có khả năng thực hiện 32 tỷ phép tính/giây, sánh ngang với các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ , Nhật, Canada, Anh, Nga, Đức…

Tiến trình nghiên cứu khoa học của Iran trong vài năm qua đã có những thành tựu to lớn, bất chấp các biện pháp trừng phạt quốc tế nghiêm trọng, khiến cho các ngành khoa học của nước này không có điều kiện thuận lợi để tiếp cận những thành tựu lớn và mới của khoa học kỹ thuật.

Chính sự phát triển vượt bậc trong điều kiện khó khăn này đã khiến thế giới phải ngạc nhiên và khâm phục.

Giới phân tích nhận định rằng, nếu Iran được dỡ bỏ hoàn toàn sự cấm vận của Mỹ và châu Âu, sự kết nối của họ vào nền khoa học và kinh tế thế giới sẽ khiến các ngành khoa học và nghiên cứu cơ bản, cùng với công nghiệp công nghệ cao của Iran có thể còn tiến xa hơn nữa.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/iran-thang-cam-van-vuot-mat-khoa-hoc-cong-nghe-israel-3357487/