Iran tìm thấy mục tiêu mới từ cuộc xung đột Nga-Ukraine

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang giúp một quốc gia đạt được các mục tiêu về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, nhưng đó không phải là Nga và Ukraine.

Xung đột Nga-Ukraine đã mang lại cho Iran một số lợi ích nhất định. Tehran được coi là một trong những quốc gia ủng hộ Nga mạnh mẽ nhất. Khi chiến sự tiếp tục kéo dài, làm tiêu hao kho vũ khí, nhân lực, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các mối quan hệ ngoại giao của Nga, Tổng thống Putin đã tìm đến Iran như một đối tác quan trọng và cần thiết để giúp ông lật ngược tình thế.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Kiev và các khu vực khác của Ukraine gây thiệt hại lớn. Ảnh: Reuters

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Kiev và các khu vực khác của Ukraine gây thiệt hại lớn. Ảnh: Reuters

Vào thời điểm kinh tế Iran đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, còn chính phủ nước này phải đối mặt với một loạt cuộc biểu tình bùng phát trên toàn quốc thì động thái của nhà lãnh đạo Nga phần nào giúp Iran củng cố các lợi ích quốc gia của mình.

Iran không ký kết hiệp ước phòng thủ chung với bất cứ quốc gia nào. Nhưng Tehran có các đối tác chiến lược thân cận gồm Syria, Venezuela, Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Các bên hợp tác với nhau về mặt chính trị, kinh tế và quân sự nhằm tìm kiếm một giải pháp thay thế cho những gì mà các nhà lãnh đạo của họ coi là trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu. Washington luôn coi sự hợp tác này nhằm mục đích làm suy yếu lợi ích quốc gia của Mỹ, giúp họ né tránh áp lực chính trị và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Quan hệ đôi bên cùng có lợi

Cuộc xung đột với Ukraine và chính sách cô lập Nga của phương Tây thông qua việc áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đã khiến Moscow gặp nhiều khó khăn về ngoại giao. Hiếm có nhà lãnh đạo nào hiểu rõ vòng kiềm tỏa đối với Nga và những căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ như lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Nhưng quan hệ giữa Nga và Iran rất phức tạp.

Trong cuộc chiến tại Syria, hai bên đều giúp đỡ chính quyền Tổng thống Syria Al Assad đánh bại các lực lượng đối lập, nhưng vì những lý do khác nhau. Qua việc hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad, Nga muốn khẳng định nước này là một cường quốc có ảnh hưởng ở Trung Đông. Đối với Iran, một chính phủ Syria thân thiện được coi là mắt xích quan trọng trong xây dựng liên minh chống lại các đối thủ là Mỹ và Israel. Dù cùng hỗ trợ chính phủ Syria, nhưng cả Moscow và Tehran đều cạnh tranh để giành được các hợp đồng tái thiết Syria, đồng thời tìm cách định hình môi trường chính trị thời hậu chiến tại quốc gia này dựa trên lợi ích của mỗi nước.

Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Tổng thống Putin được cho là đã kêu gọi sự giúp đỡ của Iran theo hai cách. Trước hết, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã cung cấp nhân lực bổ sung để giúp Nga lấp đầy khoảng trống tại Syria sau khi Moscow điều chuyển lực lượng từ quốc gia Trung Đông này sang chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Thứ hai, Nga được cho là đã sử dụng các máy bay không người lái của Iran để tấn công kho vũ khí và cơ sở hạ tầng của Ukraine, hỗ trợ các lực lượng đang gặp khó khăn trên chiến trường.

Phương Tây cho rằng, Nga đã tung ra hơn 100 máy bay không người lái tấn công Shahed-136 và Mohajer-6 do Iran sản xuất để tiến hành hàng chục cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Ukraine như: lực lượng đặc biệt, đơn vị thiết giáp và pháo binh, hệ thống phòng không, kho chứa nhiên liệu, cơ sở hạ tầng năng lượng và căn cứ quân sự…

Theo các quan chức an ninh Mỹ, Nga nhiều khả năng sẽ sớm mua các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Iran sản xuất để lấp đầy kho dự trữ tên lửa đang hao hụt của nước này, nhằm phục vụ cho hoạt động quân sự tại Ukraine.

Theo đuổi mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn?

Giới phân tích cho rằng, quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Iran sẽ không chỉ giúp Moscow đạt được một số bước tiến trên chiến trường mà mang lại cho Iran nhiều lợi ích.

Việc điều thêm binh sỹ tới Syria để lấp chỗ trống do Nga để lại sẽ giúp quân đội Iran chứng minh năng lực chiến đấu và củng cố vai trò tại Syria. Điều này sẽ cho phép Iran kiểm soát những vùng lãnh thổ bị lực lượng chống chính phủ tại Syria đe dọa và duy trì một hành lang mở hoặc “cầu nối trên đất liền” để mở rộng sự hỗ trợ cho mạng lưới các đối tác và đồng minh.

Kế hoạch Nga mua các loại vũ khí như UAV hay tên lửa sẽ thúc đẩy đáng kể ngành công nghiệp vũ khí của Iran. Đáng chú ý, những nỗ lực của Iran trong thời gian gần đây nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu máy bay không người lái đã mang lại thành công cho nước này ở một số thị trường như Ethiopia, Sudan, Tajikistan và Venezuela.

Bệ phóng tên lửa Fath 360 của Iran có thể là câu trả lời đối với HIMARS của Mỹ. Ảnh: Mashregh News

Nga vốn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, vì thế sự chuyển hướng bất ngờ của Moscow – trở thành nhà nhập khẩu vũ khí Iran sẽ giúp Tehran hướng tới vai trò nổi bật hơn như một nhà xuất khẩu vũ khí lớn.

Cuối cùng, cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể giúp Iran “thử lửa vũ khí” trên chiến trường khi Nga trực tiếp triển khai những vũ khí này để chống lại khí tài quân sự do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Bên cạnh đó Tehran có thể nắm bắt cơ hội làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ và NATO ở Âu-Á. UAV của Iran được cho là đã mang lại cho Nga một số lợi thế nhất định nhằm đối phó với những vũ khí tối tân của Mỹ và châu Âu.

Vũ khí của Iran có thể buộc những nước ủng hộ Ukraine phân bổ thêm hàng tỷ USD cho để nâng cấp hệ thống phòng không, máy bay không người lái, hoặc tăng cường viện trợ cho Kiev để thay thế những khí tài quân sự mà chúng có khả năng vô hiệu hóa./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/iran-tim-thay-muc-tieu-moi-tu-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-post978865.vov