Iran từ chối đàm phán hạt nhân với Mỹ

Iran vừa bác bỏ ý tưởng tiến hành cuộc gặp không chính thức với Mỹ và các cường quốc châu Âu để thảo luận về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Quyết định này có nguy cơ khơi lại căng thẳng giữa Tehran và phương Tây.

Tổng thống Mỹ Biden (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Biden (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP

“Dựa trên những hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ và ba cường quốc châu Âu, Iran không coi đây là thời điểm để tổ chức cuộc gặp không chính thức với các nước này, theo đề xuất của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU)”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói rõ hôm 28-2. Ông Khatibzadeh nhấn mạnh con đường phía trước rất rõ ràng: Washington phải dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời quay lại với các cam kết trong JCPOA.

Trong phản ứng cùng ngày, Mỹ bày tỏ thất vọng trước việc Iran loại bỏ ý tưởng tiến hành cuộc họp. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định Washington vẫn kiên định đạt mục tiêu “cùng trở lại tuân thủ” thỏa thuận. Theo đó, Mỹ sẽ tham vấn với các bên tham gia khác trong thỏa thuận với Iran để tìm biện pháp tốt nhất.

JCPOA được Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc cùng Đức) ký kết năm 2015. Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này đang bên bờ vực sụp đổ sau khi năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran đã giảm một số cam kết trong JCPOA, đồng thời tăng mức làm giàu uranium. Iran khẳng định họ đủ năng lực làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tehran muốn tạo đòn bẩy đàm phán?

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách khôi phục JCPOA. Các nhà ngoại giao cấp cao phương Tây nhận định quyết định bác đề xuất đàm phán của Iran sẽ không kết thúc hy vọng hồi sinh JCPOA. Hiện Mỹ và Iran đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này. Phía Iran cho rằng Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Washington muốn Tehran ngừng các hành động đáp trả gần đây mà họ cho là vi phạm thỏa thuận. Theo các nhà ngoại giao, việc Iran từ chối có thể nhằm đạt được đòn bẩy đàm phán.

Quyết định bác bỏ cuộc họp của Iran diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ thực hiện vụ không kích nhằm vào nhóm dân quân thân Iran ở phía Đông Syria làm 17 người chết và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng. Nhóm dân quân này bị cho là có liên quan đến các vụ nã tên lửa vào lực lượng Mỹ và đồng minh tại Iraq gần đây. Tổng thống Biden cho rằng cuộc không kích trả đũa nhằm gửi thông điệp rằng Iran không thể hành xử mà không bị trừng phạt. Việc Mỹ tiến hành cuộc không kích nói trên cộng với Iran sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 6 tới, giới ngoại giao cảnh báo cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng có thể đang lâm nguy.

Lắp đặt máy ly tâm thế hệ mới

Theo Hãng thông tấn chính thức IRNA ngày 28-2, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) sẽ lắp đặt các máy ly tâm thế hệ mới là IR2M, IR6 tại 2 cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz. Người phát ngôn Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội Iran, ông Abolfazl Amoui cho biết việc lắp đặt những máy ly tâm này sẽ được hoàn tất và khí sẽ được bơm vào trong giới hạn thời gian được quy định theo đạo luật được Quốc hội Iran thông qua. Theo luật này, AEOI sản xuất 120kg uranium được làm giàu ở cấp độ 20% trong vòng một năm.

Cùng ngày, người đứng đầu AEOI Ali Akbar Salehi cảnh báo Iran sẽ đáp trả thích đáng trong trường hợp ban lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ra nghị quyết nhằm vào việc Tehran đình chỉ thực hiện Nghị định thư Bổ sung liên quan tới hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân. Trước đó, Iran đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung, chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA với các cơ sở hạt nhân ở nước này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 1-3 lên tiếng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công nhằm vào tàu chở hàng Helios Ray của nước này trên Vịnh Oman hồi tuần rồi. Theo Hãng tin Reuters, vụ nổ trên tàu đã để lại những lỗ thủng trên mớn nước hai bên thân tàu. Israel là quốc gia phản đối kịch liệt JCPOA.

HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/iran-tu-choi-dam-phan-hat-nhan-voi-my-a130801.html