Iran và nhiều cường quốc thế giới duy trì hoạt động thương mại

Liên minh châu Âu (EU) thông báo khối này sẽ thiết lập một thực thể pháp lý để duy trì thương mại với Iran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini.

Đây được xem là nỗ lực của các bên tham gia Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm giảm nhẹ hậu quả từ các biện pháp trừng phạt của Washington, sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi văn kiện đa phương này ký từ năm 2015 và tái áp đặt lệnh cấm vận lên Iran.

Sau cuộc gặp các quan chức cấp cao từ Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc với Iran bên lề các cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 ở New York (Mỹ), Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) là bà Federica Mogherini cho biết, các bên còn lại trong Thỏa thuận hạt nhân Iran đã nhất trí tiếp tục nỗ lực thiết lập một cơ chế đặc biệt duy trì thương mại với Tehran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ.

“Ý thức về tính khẩn cấp và sự cần thiết phải có các kết quả cụ thể, các bên tham gia đã hoan nghênh các đề xuất thiết thực nhằm duy trì và phát triển các kênh thanh toán, nhất là sáng kiến thành lập một phương tiện đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Iran, trong đó có dầu mỏ” - bà Federica Mogherini nhấn mạnh.

Đại diện EU khẳng định, các bên quyết tâm “bảo vệ sự tự do của các doanh nghiệp theo đuổi hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran”.

“Giao dịch hợp pháp với Iran”

Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định Mỹ rút lui khỏi Thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Washington cho rằng Thỏa thuận này không hoàn thiện bởi nó không hạn chế được chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và sự ủng hộ của nước này đối với các đồng minh tại Syria, Yemen, Lebanon và Iraq.

Quyết định này giống như lời phán quyết dành cho Thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được sau chặng đường đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ giữa Iran và các cường quốc thế giới. Tuyên bố của Tổng thống Trump cũng đặt dấu chấm hết cho di sản của người tiền nhiệm Obama.

Tháng 8 vừa qua, Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, theo đó yêu cầu các nước ngừng mua dầu của Tehran kể từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả tài chính. Ngay lập tức, nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định này của Tổng thống Trump, cho rằng nó sẽ “đổ dầu vào lửa” cho tình hình bất ổn tại khu vực, thậm chí đẩy Trung Đông-Vùng Vịnh đến trước bờ vực của một cuộc chiến mới.

Các bên còn lại trong Nhóm P5+1 cùng với Iran đã nỗ lực cứu vãn Thỏa thuận. Theo báo cáo, kim ngạch thương mại EU - Iran hiện đang đạt mức 2 tỷ euro (khoảng 2,35 tỷ USD) trong một tháng, song con số này được dự báo sẽ giảm mạnh khi các công ty lớn của châu Âu rút khỏi thị trường Tehran và xuất khẩu dầu của Iran chịu tác động từ lệnh cấm vận của Mỹ.

Từ hồi tháng 5, các tập đoàn lớn của EU gồm Tập đoàn năng lượng Total, các nhà sản xuất ô tô Peugeot và Renault của Pháp; Hãng ô tô Daimler, Tập đoàn Deutsche Telekom của Đức và Hãng Airbus đều tuyên bố rút khỏi Iran, trong khi đó các hãng hàng không Air France và British Airways cũng dừng hoạt động tại nước này do lượng khách giảm mạnh. Công ty A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch cũng thông báo sẽ ngừng vận chuyển dầu của Iran...

“Trong điều kiện thực tế, quyết định mới sẽ cho phép các nước thành viên EU thuận lợi trong việc giao dịch tài chính hợp pháp với Iran. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty châu Âu tiếp tục giao dịch với Iran theo luật của Liên minh châu Âu (EU) và có thể được mở rộng tới các đối tác khác trên thế giới” - bà Federica Mogherini tuyên bố.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/iran-va-nhieu-cuong-quoc-the-gioi-duy-tri-hoat-dong-thuong-mai-tintuc418123