Iran–Venezuela chớ vội, đừng đánh giá thấp Mỹ

Nếu như không có sự bắt tay ngầm nào giữa Mỹ và Iran thì trận đấu chỉ kết thúc hiệp một khi cả 5 con tàu dầu Iran cập cảng Venezuela.

Venezuela chào đón tàu dầu Iran cập bến an toàn

Venezuela chào đón tàu dầu Iran cập bến an toàn

Sáng nay, Reuters đưa tin: Tàu dầu thứ tư của Iran đã cập cảng Venezuela. Như vậy trong 5 con tàu chở dầu Iran vượt Đại Tây dương đến Venezuela thì đã có 4 chiếc đã đến vị trí an toàn, chỉ còn lại chiếc cuối cùng – chiếc thứ 5.

Có rất nhiều lý do để người Mỹ để yên cho 4 chiếc tàu dầu Iran vượt qua vòng phong tỏa của Hải quân Mỹ đến cập cảng Venezuela. Ví dụ như, Mỹ thừa hiểu, rằng, cung cấp cho các trạm xăng Venezuela đã cạn kiệt hơn 3 tuần nay số lượng 1,56 triệu lít tương ứng 45 triệu USD vào một nền kinh tế suy kiệt của Venezuela là như “gió vào nhà trống”…

Hành động cứu trợ khẩn cấp của Iran giống như cứu đói tạm thời, chỉ cho Venezuela “một con cá thay vì một cái cần câu”. Vấn đề đặt ra là liệu Iran làm thế nào để cung cấp cho Venezuela một cái “cần câu” để Venezuela tự nuôi sống bản thân mình trước sự bao vây, cấm vận ngặt nghèo của ông hàng xóm xấu tính?

Ở cấp độ vĩ mô, người Nga với kinh nghiệm của mình, đã giúp chính quyền Venezuela cấu trúc nền kinh tế chống trừng phạt cấm vận và xây dựng quân đội…Do đó Iran, trong lĩnh vực năng lượng, phải cung cấp cho Venezuela “một cái cần câu thay vì con cá”. Người Iran quá hiểu điều đó và thật không may, người Mỹ cũng thừa hiểu nguyên lý này.

Đúng như quan điểm của các nhà phân tích Mỹ, rằng, 1-2 triệu lít xăng chẳng là gì với tình trạng kinh tế tồi tệ của Venezuela lúc này, thế nhưng nếu để nó “bùng cháy” thì không chỉ biển Caribe – sân sau của Mỹ thành biển lửa mà cả Trung Đông cũng không tránh khỏi. Đó là điều không cần thiết vì Iran sẽ không đủ khả năng, tiềm lực để cung cấp cho Venezuela mãi được, nếu không muốn cả hai đều chết chìm…

Tuy nhiên, nếu như Iran và có thể cả Nga, Trung Quốc, cung cấp cho Venezuela các phương tiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để chính quyền Maduro tự lọc dầu khai thác được thành sản phẩm thương mại…thì Venezuela thừa khả năng nuôi sống bản thân và lách lệnh trừng phạt của Mỹ để xuất khẩu…(Lưu ý, trước nay dầu nặng của Venezuela chủ yếu cung cấp cho các nhà máy lọc dầu miền Đông nước Mỹ và Tây Âu. Cho nên, khi Mỹ cấm vận, Mỹ phải buộc mua dầu nặng của Nga để các nhà máy lọc dầu Mỹ hoạt động, dù dầu đá phiến Mỹ thừa mứa nhưng các nhà máy lọc dầu, hóa dầu Mỹ không cần.)

Nếu tình hình này xảy ra với Venezuela thì Mỹ sẽ không bao giờ thành công trong mục tiêu lật đổ chế độ Maduro. Do đó, Mỹ phải bằng mọi cách ngăn chặn bất kỳ ai muốn đem đến cho Venezuela “cái cần câu”…mà trong bài viết này chúng ta quan tâm cụ thể đến nhà máy lọc dầu của Venezuela.

Hiện tại, các nhà máy lọc dầu của Venezuela đã thiếu linh kiện sửa chữa nên đã gần như ngừng hoạt động, cho nên, ngay xăng dầu cấp cho hoạt động trong nước cũng không đủ đảm bảo nhu cầu. Chính quyền Venezuela đã yêu cầu Iran giúp đỡ và với tinh thần đồng chí, đồng đội, với tình bạn cao cả, Iran đã đáp lời, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.

Báo chí đăng tin nhiều về chuyến đi của 5 tàu dầu Iran đến Venezuela khi cả hai đều bị Mỹ cấm vận, trừng phạt…nhưng ít ai chú ý đến các chuyến hàng không của Iran trước đó đã vận chuyển những linh kiện, thiết bị cho các nhà máy lọc dầu của Venezuela hoạt động…Vấn đề phần cứng như linh kiện thay thế, sửa chữa, các chuyên gia đã có mặt, tập kết đầy đủ bằng đường hàng không đã trót lọt…nhưng phần còn lại quan trong không kém là hóa chất cho nhà máy lọc dầu thì phải vận chuyển bằng đường biển.

Thực tế, sản lượng xăng của Venezuela hiện chỉ giới hạn ở một cơ sở duy nhất là nhà máy lọc dầu Amuay, nhưng hầu hết nhiên liệu được sản xuất đều có chỉ số octan thấp vì hầu hết các đơn vị kiềm hóa của nước này đều ngừng hoạt động. Ankylate nhập khẩu có thể cải thiện chất lượng xăng trong nước. Và, hóa chất ankylate đến từ nguồn cung Iran…

Đến đây bạn đọc hiểu rằng, để cho các nhà máy lọc dầu Venezuela hoạt động tự cung cấp đủ xăng dầu cho nội địa thì Venezuela cần 2 thứ: linh kiện và hóa chất (dầu khai thác thì Venezuela không thiếu). Mỹ đã để vuột mất số linh kiện qua đường hàng không, vậy liệu Mỹ có để tuột mất số hóa chất từ đường biển không?

Trong 5 con tàu dầu của Iran đến Venezuela biết đâu có một con tàu chở hóa chất hoặc người Iran “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ” tùy theo kỹ thuật vận chuyển…thì con tàu nào chở hóa chất? Con tàu đã trót lọt hay con tàu cuối cùng? Nếu Mỹ nhằm đúng con tàu chở hóa chất cuối cùng là “thắng cả trận đấu”, bởi không có hóa chất thì nhà máy lọc dầu có đủ linh kiện cũng vứt.

Tin từ các báo đưa rằng tàu khu trục Mỹ đang diễn tập ở Biển Đen đột nhiên rời bỏ, tăng tốc đuổi theo hướng tàu dầu Iran…Nhiều người tự hỏi, vậy 4 tàu khu trục Mỹ đang phong tỏa ở vùng biển Venezuela để làm gì mà phải điều động tàu khu trục đang tập trận ở Biển Đen truy đuổi? Vô lý! Chỉ giải quyết khâu oai cho đỡ mất mặt...

Nhưng với chúng ta thì chưa hẳn là vô lý. Có thể như Mỹ đã phát hiện ra điều chi đó nên sẽ ngăn chặn ngay giữa Đại Tây dương chăng?

Xem ra, chỉ khi nào con tàu thứ 5 - con tàu cuối cùng của Iran cập cảng Venezuela an toàn thì Iran – Venezuela mới có quyền xoa tay khen Mỹ “hành động đúng đắn…”, còn khi chưa thì hãy cảnh giác cao độ với Mỹ. Mỹ vẫn là một cường quốc số 1 trên đại dương. Đừng đánh giá thấp, chủ quan với Mỹ là hành động “xỉa răng cho Hổ”.

Người Việt Nam có câu “Ba mươi chưa phải là Tết”, còn trong bóng đá, trận đấu chỉ kết thúc khi những phút bù giờ đã hết, còi từ trọng tài đã vang lên. Trong tình thế này, Iran chỉ cần chủ quan lơi lỏng, Mỹ ghi bàn mà không kịp trở tay là coi như bại trận.

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/iranvenezuela-cho-voi-dung-danh-gia-thap-my-3403893/