Iraq có thể tiếp bước Qatar: Cơn ác mộng của OPEC?

Nếu nước nào muốn theo chân Qatar phá vỡ thỏa thuận với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thì đó sẽ là Iraq.

Nhà máy sản xuất dầu Baiji ở Iraq. Ảnh: Reuters

Nhà máy sản xuất dầu Baiji ở Iraq. Ảnh: Reuters

Michael Cohen – người đứng đầu viện nghiên cứu thị trường năng lượng tại ngân hàng Barclays – đưa ra nhận định mới nhất trong buổi trả lời phỏng vấn CNBC.

“Tôi nghĩ xét các nước OPEC, quốc gia có thể theo xu hướng này nhất là Iraq. Nếu các quy định hạn chế cắt giảm quá nghiêm ngặt, Iraq có thể cảm thấy mình không còn lợi ích gì khi là thành viên của tổ chức”, ông Cohen lý giải.

Trong tổ chức OPEC gồm 15 thành viên, Iraq là nước đứng thứ 2 chỉ sau Saudi Arabia tính đến số lượng dầu mỏ sản xuất. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết hơn 90% thu nhập của quốc gia đến từ dầu mỏ. Theo cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, trong tháng 10, nước này đã sản xuất đạt con số kỷ lục 4,76 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Đề cập đến chuyến thăm của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih tới Baghdad, chuyên gia Cohen bày tỏ quan điểm: “Chúng ta không biết rõ bản chất của các cuộc đối thoại đó, song rõ ràng có nhiều lo ngại liên quan đến việc buộc Iraq phải giữ lời”.

Truyền thông đưa tin Bộ trưởng Al-Falih đã gặp người đồng cấp Iraq cũng như Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi để bàn về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và điện lực.

Trả lời báo chí hồi tháng 10, Bộ trưởng dầu mỏ vừa bổ nhiệm gần đây của Iraq Thamir Ghadhban cho rằng sản xuất nhiều dầu hơn là mục tiêu hàng đầu của đất nước 38 triệu dân này. Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Basra có kế hoạch tăng cường sản xuất từ 3,2 triệu lên 5 triệu thùng mỗi ngày trong 7 năm tới.

Giới chức Iraq ước tính họ cần 100 tỷ USD để tái xây dựng cơ sở vật chất, sau nhiều năm thiệt hại do chiến tranh và lệnh trừng phạt. Giới chuyên gia cho rằng dầu mỏ vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc gây quỹ tái thiết và điều đó có nghĩa là Baghdad có động lực để tập trung sản xuất dầu mỏ.

Trong khi đó, hai quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - Saudi Arabia và Nga – cuối tuần qua “nhất trí mở rộng” một thỏa thuận nhằm hạn chế việc sản xuất và hỗ trợ giá dầu. Thành viên OPEC sẽ cùng các quốc gia khác dự kiến sẽ họp bàn về một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu tại Vienne vào cuối tuần này.

Vào ngày 3/12, Qatar tuyên bố quốc sẽ rút khỏi OPEC từ tháng 1/2019. Qatar đưa ra quyết định trên trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong những ngày qua đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua. Qatar bác bỏ thông tin quyết định rời khỏi OPEC liên quan đến "căng thẳng ngoại giao" với Saudi Arabia và một số quốc gia Vùng Vịnh.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/iraq-co-the-tiep-buoc-qatar-con-ac-mong-cua-opec-20181205191730795.htm