Iraq có Thủ tướng mới, Mỹ có bị 'đuổi' khỏi đất nước?

Tân Thủ tướng Iraq tuyên bố sẽ bảo vệ đất nước khỏi sự can thiệp từ bên ngoài giữa lúc căng thẳng Mỹ- Iran.

Tổng thống Iraq ngày 1/2 đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Truyền thông Mohammed Tawfiq Allawi làm Thủ tướng nước này. Quyết định bổ nhiệm được đưa ra hai tháng sau khi Thủ tướng Adel Abdul Mahdi từ chức.

Tân Thủ tướng Iraq Mohammed Tawfiq Allawi

Tân Thủ tướng Iraq Mohammed Tawfiq Allawi

Ông Allawi sẽ giữ chức Thủ tướng Iraq cho đến khi cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức.

Trong bài phát biểu đầu tiên từ khi nhậm chức ngày 1/2, ông Allawi tuyên bố sẽ ngăn cản mọi sự can thiệp từ nước ngoài biến Iraq thành đấu trường để tranh giành quyền lực.

"Tôi xin hứa sẽ bảo vệ Iraq khỏi bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài và không để cho biến đất nước thành một đấu trường tính toán phân chia quyền lực bằng những cuộc xung đột khác nhau" - ông Allawi tuyên bố trong thông cáo báo chí gửi toàn dân.

Chưa có những ghi nhận về bình luận của ông Allawi về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này trước đây.

Iraq đã trở thành một đấu trường cho đấu đá quyền lực giữa quân đội Mỹ và Iran sau khi Mỹ sát hại tướng Qasem Soleimani của Iran tại một sân bay ở Iraq. Động thái bị lên án là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq và thúc đẩy làn sóng tẩy chay, buộc Mỹ rút quân khỏi quốc gia này.

Tuy nhiên, Washington đã không sử dụng động thái hạ nhiệt hơn mà còn tuyên bố sẽ chặn hỗ trợ quân sự cho Iraq nếu Baghdad yêu cầu quân đội Mỹ rời đi.

Cho đến nay, các căn cứ quân sự có quân đội Mỹ đóng quân tại Iraq đã liên tục hứng chịu các cuộc tấn công tên lửa. Chưa có nhóm nào chịu trách nhiệm về các vụ tấn công.

Tân Thủ tướng Allawi là người Hồi giáo dòng Shiite, từng học tập và làm việc ở Lebanon và Anh trước khi về Iraq để tham gia chính trường năm 2003. Ông có hai nhiệm kỳ làm Bộ trưởng truyền thông dưới thời cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki.

Ông Allawi sẽ có nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới trong vòng một tháng. Thời gian quá ngắn có thể sẽ là khó khăn cho ông Allawi do sự ganh đua của các đảng phái chính trị, vốn đã làm kéo dài tình trạng bế tắc chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Allawi cho biết ông sẽ có thể từ chức nếu các phe phái chính trị tại Iraq cố tình áp đặt các ứng viên cho các vị trí trong nội các.

Cựu Thủ tướng Abdul-Mahdi đã phải từ chức hồi tháng 11/2019 do làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ tại Iraq bùng phát yêu cầu loại bỏ các chính trị gia tham nhũng và không đủ năng lực lãnh đạo đất nước.

Ông đã chúc mừng người kế vị và bày tỏ mong muốn ông Allawi có thể ổn định được tình hình. Nhưng biểu tình vẫn diễn ra sau khi ông Allawi nhậm chức. Họ cho rằng, ông Allawi cùng chia sẻ quyền lực với cựu Thủ tướng và không ủng hộ cho quyền lợi của người biểu tình.

Gần 500 người thiệt mạng trong các trấn áp người biểu tình từ tháng 10/2019.

Iraq tiếp tục chìm trong bất ổn kể từ sau khi tướng Iran Qassem Soleimani bị hạ sát trong một cuộc không kích của Mỹ hôm 3/1. Vụ việc đã kích động Iran đáp trả bằng loạt vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại khu vực.

Các chính trị gia Iraq thân Iran đã tìm cách sử dụng các sự kiện đó để chuyển hướng dư luận từ bất mãn với giới cầm quyền sang phản đối Mỹ và yêu cầu rút quân.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/iraq-co-thu-tuong-moi-my-co-bi-duoi-khoi-dat-nuoc-3396193/