Iraq 'kẹt' giữa Mỹ và Iran

Ngày 29-12, bốn quả rocket được bắn vào nơi binh sĩ Mỹ đồn trú gần thủ đô Baghdad của Iraq, không lâu sau khi Washington lần đầu tiên trong gần 10 năm qua tiến hành không kích lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tại Iraq và Syria.

Các chiến binh Kataeb Hezbollah trong cuộc duyệt binh tại Baghdad hồi tháng 5. Ảnh: AFP

Các chiến binh Kataeb Hezbollah trong cuộc duyệt binh tại Baghdad hồi tháng 5. Ảnh: AFP

Vụ tấn công tại căn cứ al-Taji (không gây thương vong) xảy ra chỉ vài giờ sau khi các máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ đánh phá 5 cơ sở của nhóm Kataeb Hezbollah (KH) tại phía Tây Iraq và Đông Syria nhằm trả đũa vụ nã rocket của KH vào liên quân do Washington dẫn đầu tại Iraq. 5 địa điểm này bao gồm các kho vũ khí, căn cứ chỉ huy và kiểm soát mà Mỹ tin rằng KH sử dụng để lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công. Nguồn tin an ninh Iraq cho biết ít nhất 25 tay súng đã thiệt mạng trong đợt không kích trên lãnh thổ nước này, trong đó có 4 chỉ huy địa phương của KH và 55 người khác bị thương.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “bật đèn xanh” cho hành động đáp trả KH. Phát biểu sau cuộc họp với ông Trump tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở bang Florida, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định cuộc không kích đã “thành công”, đồng thời cho biết đang thảo luận các lựa chọn khác với chủ nhân Nhà Trắng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng chỉ trích Tehran và cho rằng Cộng hòa Hồi giáo hậu thuẫn KH. Ông Pompeo tuyên bố các đợt tấn công phát đi thông điệp rằng Washington sẽ không tha thứ cho Iran vì những hành động đe dọa mạng sống người Mỹ. KH được cho là đứng sau vụ nã ít nhất 30 quả rocket vào căn cứ quân sự tại tỉnh Kirkuk thuộc phía Bắc Iraq, làm chết một nhà thầu người Mỹ và 4 binh sĩ bị thương hôm 27-12.

Các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq và Vùng Xanh ở trung tâm Baghdad cũng thường xuyên là mục tiêu của các vụ tấn công bằng đạn cối và rocket của các nhóm phiến quân. Tính từ ngày 28-10 đến nay, đã xảy ra ít nhất 11 vụ như thế. Theo một nguồn tin, các nhóm vũ trang thân Iran ở Iraq hiện được coi là mối đe dọa đối với lính Mỹ lớn hơn cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

KH là một trong những nhóm dân quân dòng Shiite nằm dưới sự bảo trợ của Lực lượng Động viên Nhân dân (PMF). Lầu Năm Góc lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ đều khẳng định KH có “liên hệ mật thiết” với Lực lượng Quds trực thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và liên tục nhận viện trợ cũng như những hỗ trợ khác từ Tehran. Lãnh đạo KH hiện nay là Abu Mahdi al-Muhandis, một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Iraq.

KH từng chiến đấu chống IS và được Chính phủ Iraq chấp thuận. Tuy IS đã bị đánh bại nhưng PMF vẫn là lực lượng có ảnh hưởng tại Iraq với 140.000 quân và quan điểm chính trị thân Iran. Một số chỉ huy dân quân từng yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq và đe dọa dùng vũ lực buộc họ rời đi nếu cần thiết. Hiện Mỹ đang triển khai khoảng 5.000 lính tại Iraq để hỗ trợ lực lượng nước này, chủ yếu với vai trò cố vấn và huấn luyện trong cuộc chiến chống IS.

Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Esper đã thông báo cho Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi 30 phút trước khi Mỹ không kích KH. Khi đó, ông Mahdi đã cực lực phản đối hành động đơn phương này, đồng thời bày tỏ lo ngại vụ tấn công sẽ khiến căng thẳng càng leo thang. Abdelkarim Khalaf, phát ngôn viên của chỉ huy lực lượng vũ trang Iraq mô tả đợt tấn công của Mỹ là “cú đâm sau lưng bội bạc”.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, CNN)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/iraq-ket-giua-my-va-iran-a116672.html