Iraq nhức nhối: Càng đuổi, Mỹ càng đưa thêm nhiều quân sang

Tin truyền thông cho biết, căn cứ có quân Mỹ đồn trú ở Iraq bị trúng tên lửa, trong khi giới chức Baghdad tiếp tục đòi Mỹ phải rút quân.

Căn cứ Mỹ lại bị tấn công

Kênh truyền hình al-Mayadeen hôm 14/12 đưa tin, một quả tên lửa vừa rơi trúng căn cứ không quân K-1 ở thành phố Kirkuk miền bắc Iraq. Kênh truyền hình của Lebanon lưu ý rằng, căn cứ này hiện có quân Mỹ đồn trú.

Theo tin của al-Mayadeen, hiện nay máy bay Mỹ bắt đầu tăng cường tuần tiễu trên bầu trời Kirkuk nhằm phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ về những địa điểm có thể là nơi xuất phát các vụ phóng tên lửa của quân Mỹ, để có những hành động đáp trả.

Trong những tháng gần đây, ngoài các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran hồi tháng 1 vừa qua, các căn cứ có binh sĩ Mỹ đóng quân đã liên tục bị tấn công bằng tên lửa tự chế, đạn pháo phản lực và súng cối của các lực lượng dân quân Iraq thân Iran.

Tình hình trở nên căng thẳng vào cuối năm ngoái, khi quân Mỹ tấn công các mục tiêu của nhóm “Kataib Hezbollah” người Shiite ở Syria và Iraq. Lầu Năm Góc nói rằng đây là hành động đáp trả vụ tấn công của nhóm này vào một căn cứ ở gần thành phố Kirkuk, Iraq.

Sau đó, những người ủng hộ phong trào nói trên bắt đầu tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Hôm 03 tháng 01, Hoa Kỳ tiến hành một chiến dịch không kích ở khu vực sân bay quốc tế Baghdad, kết quả vụ phóng tên lửa đã giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran và phó thủ lĩnh lực lượng dân quân người Shiite PMU ở Iraq là Abu Mahdi al-Muhandis.

Washington cho rằng, những nhân vật này có liên quan đến việc tổ chức cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ.

Để đáp trả Iran đã phóng tên lửa vào một căn cứ ở Iraq có quân Mỹ đồn trú. Tổng thống Donald Trump cho biết không ai bị thương trong vụ này. Trong khi đó quân đội Iran khẳng định Washington che giấu thông tin về thương vong trong vụ tấn công tên lửa nói trên.

Hiện nay, giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc đã công bố có hơn 100 binh sĩ Mỹ bị sang chấn tâm lý, nặng hơn là bị chấn động não trong vụ tấn công này.

Các vụ tấn công mới này diễn ra trong bối cảnh Mỹ khẳng định quyết tâm ở lại Iraq, trong khi giới lãnh đạo Baghdad tái khẳng định yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi lãnh thổ nước này.

Quân đội Mỹ ở Iraq sẽ không rút quân, ngược lại, Lầu Năm Góc sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự

Iraq không chấp nhận sự hiện diện của quân Mỹ

Hôm 14/02, ông Muhammad Reed, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Iraq phát biểu rằng, việc triển khai thêm lực lượng quân sự Mỹ ở Iraq với cái cớ mở rộng nhiệm vụ huấn luyện của NATO ở quốc gia Trung Đông này là không thể chấp nhận được.

Hôm 12/02, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo nhấn mạnh quan điểm rằng, giới lãnh đạo cơ quan quốc phòng các nước thành viên NATO nhất trí quyết định nối lại nhiệm vụ, sứ mệnh huấn luyện quân sự ở Iraq, đồng thời tăng cường mở rộng hoạt động nếu có sự đồng thuận của Baghdad.

Phát biểu sau cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, ông Stoltenberg khẳng định rằng, tất cả các quốc gia thành viên NATO đều đã xác nhận sẵn sàng tinh thần “làm việc nhiều hơn” ở Iraq và NATO sẽ đảm trách mọi chức năng huấn luyện quân đội Iraq.

"Việc mở rộng nhiệm vụ huấn luyện của NATO ở Iraq và sự tham gia của các sĩ quan Iraq trong những đợt huấn luyện của liên minh là đáng hoan nghênh, nhưng việc đưa thêm cả một đội ngũ quân đội Hoa Kỳ tới chỉ vì lý do mở rộng sứ mệnh huấn luyện quân sự của NATO là không thể chấp nhận được" - nghị sĩ Iraq bình luận về đề xuất của liên minh.

Vấn đề rút quân đội nước ngoài khỏi Iraq từ lâu đã là “nỗi nhức nhối” đối với Baghdad. Giới lãnh đạo nước này đã nhiều lần khẳng định rằng, tất cả quân đội nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ nước này, đồng thời trực tiếp yêu cầu Mỹ gửi quan chức đến để bàn bạc việc rút quân khỏi Iraq; tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã khẳng định rằng, Mỹ sẽ không rút quân.

Đề cập đến quyết định của Quốc hội Iraq đưa ra vào tháng 1 tìm cách đẩy quân đội nước ngoài khỏi lãnh thổ Iraq, vị quan chức cho hay, nước này không muốn có sự thay đổi nào trong kế hoạch rút quân, tình hình hiện nay đòi hỏi quân đội Mỹ và các lực lượng của liên minh quốc tế phải rời đi.

Ông khẳng định rằng, chỉ sau khi Mỹ rút quân, các bên mới thực sự đạt được sự hiểu biết lẫn nhau trên phương diện định dạng hợp tác trong tương lai sắp tới với NATO, dựa trên nguyên tắc cơ bản là sự tôn trọng chủ quyền của Iraq và theo đúng mong muốn của các bên.

Người lãnh đạo Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Irag đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, người đứng đầu chính phủ mới là ông Taufik Alyawi cũng ủng hộ quyết định của Quốc hội về việc yêu cầu các lực lượng quân đội nước ngoài rút quân và "đặc biệt coi trọng vấn đề này".

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/iraq-nhuc-nhoi-cang-duoi-my-cang-dua-them-nhieu-quan-sang-3396894/