Iraq rơi vào khủng hoảng chính trị

Iraq đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất và kéo dài nhất trong nhiều năm qua. Trung tâm của cuộc xung đột này là nhà lãnh đạo chính trị Moqtada al-Sadr và một nhóm đối thủ gồm các đảng phái có quan hệ chặt chẽ với nước láng giềng Iran.

Những người ủng hộ giáo sĩ dòng Shiite al-Sadr trong 2 tuần qua đã 2 lần xông vào Vùng Xanh - khu vực được bảo đảm an ninh kiên cố nhất của Baghdad, nơi có các tòa nhà chính phủ và đại sứ quán phương Tây. Hôm 31-7, những người ủng hộ giáo sĩ Al-Sadr đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi bên trong nhà quốc hội.

Giáo sĩ Moqtada al-Sadr.

Giáo sĩ Moqtada al-Sadr.

Trọng tâm phản đối của người biểu tình ủng hộ ông al-Sadr chính là việc đề cử ông Mohammed Shiya al-Sudani làm Thủ tướng Iraq. Al-Sudani được Coordination Framework đề cử, được nhiều người coi là đồng minh của ông Maliki thân Iran.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề thực sự vượt xa việc đề cử ông Al-Sudani. Sự bất mãn chủ yếu tập trung vào những nỗ lực của các khối Shiite có liên hệ với Iran nhằm cô lập ông Al-Sadr. Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Al-Sadr kêu gọi các chính trị gia lắng nghe yêu cầu của những người biểu tình, nói rằng hiện có “cơ hội vàng để chấm dứt tham nhũng và bất công”. Ông cảnh báo nếu yêu cầu của những người biểu tình không được đáp ứng, thì ông sẽ không chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra sau đó.

Đối thủ chính đang đối đầu với giáo sĩ Al-Sadr hiện nay là một khối Shiite liên kết với Iran, khối Coordination Framework, bao gồm các chính trị gia có quan hệ với Tehran, trong đó có cả cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, cũng như các nhóm bán quân sự được Iran hậu thuẫn. Các lãnh đạo của khối Coordination Framework đã ra tuyên bố vận động người ủng hộ xuống đường biểu tình chống lại cuộc biểu tình của người ủng hộ giáo sĩ Al-Sadr. Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngày 1-8, hàng ngàn người ủng hộ khối Coordination Framework đã biểu tình khắp các đường phố Baghdad.

Tình trạng hỗn loạn mới nhất diễn ra sau 9 tháng bế tắc chính trị, tranh cãi và cáo buộc qua lại giữa các đảng phái làm cản trở việc thành lập chính phủ sau khi ông Al-Sadr trở thành người chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10-2021. Chiến thắng của ông đe dọa sẽ gạt bỏ các khối Shiite liên kết với Iran vốn đã thống trị chính trường Iraq trong nhiều thập kỷ qua.

Hồi tháng 6-2022, ông Al-Sadr đã thực hiện một sự thay đổi mang tính “bước ngoặt”, đó là yêu cầu khối chính trị của mình rút khỏi quốc hội sau khi việc đàm phán hợp tác với các khối đối lập thất bại. Động thái này cho thấy sức mạnh thực sự của ông Al-Sadr: Khả năng huy động những người ủng hộ trên đường phố với cả số lượng và sức mạnh lớn.

Nhiều người biểu tình mặc đồ đen để đánh dấu những ngày dẫn đến lễ hội Ashura, nơi tưởng niệm cái chết của Imam Hussein, cháu trai của nhà tiên tri Muhammad và là một trong những nhân vật quan trọng nhất của dòng Hồi giáo Shiite. Thông điệp của ông Al-Sadr gửi tới những người ủng hộ ông để lợi dụng ngày trọng đại của dòng Hồi giáo Shiite nhằm kích động các cuộc phản đối.

Diễn biến mới cho thấy ông Al-Sadr đang sử dụng cơ sở ủng hộ rộng lớn của mình như một chiến thuật gây áp lực chống lại các đối thủ, sau khi đảng của ông không thể thành lập chính phủ mặc dù đã giành được số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử tháng 10 năm ngoái.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hằng tuần, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nói rằng tình hình ở Iraq là do tranh chấp chính trị nội bộ. Những bình luận của ông Kanaani được cho là nhằm bác bỏ những suy đoán xung quanh vai trò của Tehran trong cuộc khủng hoảng hiện tại của Baghdad. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng tình trạng bế tắc chính trị hiện nay ảnh hưởng sâu sắc đến mức độ ảnh hưởng của Iran đối với nước láng giềng, những người khác lại không tin rằng Iran đang “giật dây” cuộc xung đột.

Các đối thủ của ông Al-Sadr trong đảng Coordination Framework - một liên minh của các đảng Shiite do Iran hậu thuẫn và do cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki lãnh đạo - đã có dấu hiệu chia rẽ nội bộ vào cuối tuần trước.

Lúc đầu, liên minh kêu gọi các cuộc biểu tình phản đối “hòa bình” để bảo vệ nhà nước, làm dấy lên lo ngại về các cuộc đụng độ trên đường phố và bạo lực giữa các sắc tộc. Hòa bình dân sự là ranh giới đỏ và tất cả người dân Iraq phải sẵn sàng để bảo vệ nó bằng mọi cách có thể. 3 quan chức Shiite cho biết tuyên bố này được Al-Maliki và thủ lĩnh lực lượng dân quân Qais al-Khazali soạn ra.

Sau đó, Hadi al-Amiri, cũng là một nhà lãnh đạo liên minh, đã đưa ra một tuyên bố mời “người anh em thân yêu” Al-Sadr tham gia “một cuộc đối thoại nghiêm túc” để tìm cách thoát khỏi bế tắc. Ông Al-Maliki cũng xuất hiện để xoay trục và đưa ra một tuyên bố nói rằng những sự kiện hỗn loạn trong ngày đã khiến ông phải kêu gọi đối thoại với ông Al-Sadr. Ông Al-Maliki là đối thủ chính của ông Al-Sadr và cả hai ông này đều có quyền lực riêng.

Liên Hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về những bất ổn đang tiếp diễn ở Iraq và kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq giảm leo thang. “Tiếng nói của lý trí và sự khôn ngoan là rất quan trọng để ngăn chặn bạo lực tiếp tục. Tất cả các bên được khuyến khích giảm leo thang vì lợi ích của tất cả người dân Iraq” - Liên Hợp quốc kêu gọi. Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi, cũng đã lên tiếng kêu gọi kiềm chế.

Lãnh đạo Shiite Ammar al-Hakim - người liên minh với Coordination Framework nhưng đã tuyên bố sẽ không tham gia vào chính phủ tiếp theo - lặp lại lời của ông Al-Kadhimi và kêu gọi cả hai bên nhượng bộ để tránh “mất mát không đáng có”.

Bất chấp những nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng, giới chuyên gia cho rằng sẽ rất khó để thấy ông Al-Sadr rút lui trừ khi ông được trao quyền thành lập chính phủ như mong muốn ban đầu.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/iraq-roi-vao-khung-hoang-chinh-tri-i663164/