Iraq tuyên bố mua S-400 bất chấp Mỹ đe dọa

Truyền thông Nga ngày 15/5 dẫn lời Đại sứ Iraq tại Nga Heidar Mansur Hadi cho biết, chính phủ Iraq đã quyết định mua hệ thống S-400.

Thông tin trên được ông này xác nhận trong cuộc trò chuyện với truyền thông Nga: "Đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa, chính phủ đã đưa ra quyết định muốn mua S-400". Mặc dù vậy hiện chưa có lộ trình có thể xác định thời hạn chính xác của giao dịch.

Trước khi đại sứ Iraq chính thức xác nhận quyết định mua S-400 của Nga, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Iraq về hậu quả mở rộng hợp tác quân sự với Nga cũng như các thỏa thuận mua vũ khí tiên tiến với nước này, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400.

Hệ thống S-400.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đã liên lạc với nhiều nước bao gồm Iraq để giải thích ý nghĩa của Đạo luật Chống những đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) và những hậu quả gia tăng khi Iraq ký kết các thỏa thuận quốc phòng với Moscow.

Và những lời đe dọa của Mỹ đã không phát huy hiệu quả khi Iraq quyết định mua S-400 và đưa ra tuyên bố: "Iraq muốn theo kịp các quốc gia láng giềng nhờ vào hệ thống tên lửa phòng không mới nhất, và cũng như việc chúng sẽ đảm bảo tốt nhất cho khả năng bảo vệ lãnh thổ và các căn cứ không quân từ các cuộc không kích của kẻ thù", đại sứ Iraq tuyên bố.

Liên quan đến vấn đề này, thành viên của Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội Iraq, Ammar Taamah cho hay: "Iraq cần mua vũ khí từ các quốc gia khác nhau để đảm bảo quốc phòng và hiệu quả chiến đấu cao nhất của quân đội.

Nếu chỉ có một nhà cung cấp vũ khí, trong trường hợp chiến tranh xâm lược chống lại Iraq, nhà cung cấp này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến quá trình và khả năng bảo vệ đất nước.

Khi quân đội có nguồn cung vũ khí từ các nước khác nhau, họ sẽ có lựa chọn phù hợp nhất trong một tình huống cụ thể. Ngoài ra, với sự cạnh tranh, các nhà sản xuất sẽ đưa ra những điều kiện và giá cả tốt nhất.

Mỗi quốc gia đều có những quyết định riêng trong vấn đề mục tiêu, an ninh và chính sách chiến lược. Đôi khi tôi được biết người ta có đưa ra một số lời khuyên về những vấn đề này cho Iraq. Tuy nhiên, Baghdad chỉ đưa ra các quyết định dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia".

Ông Ammar Taama nói thêm: "Rất nhiều người trong và ngoài khu vực đang chống lại việc mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không Nga. Động cơ của họ thật dễ hiểu: Iraq đã trở nên mạnh mẽ hơn kể từ khi giành chiến thắng trước IS, sức mạnh và ảnh hưởng của Iraq trong khu vực đang tăng lên".

Được biết, hồi đầu năm 2018, quân đội Iraq đã nhận được lô đầu tiên xe tăng T-90S và T-90SK, loại xe tăng do Nga sản xuất này sẽ thay thế vai trò chủ đạo của xe tăng M1 Abrams trong lực lượng tăng thiết giáp Iraq.

Với việc nhận vào biên chế xe tăng T-90S và phiên bản chỉ huy T-90SK, quân đội Iraq đã chính thức bỏ qua vai trò chủ đạo của dòng xe tăng M1 Abrams nổi tiếng của Mỹ.

Trước đây, chính phủ Iraq đã mua hàng trăm xe tăng Mỹ để thay thế vai trò xe tăng T-55 và T-72, tuy nhiên Washington đã bán cho Iraq phiên bản bị giới hạn giáp siêu cứng Uranium khiến cho dòng tăng M1 Abrams liên tục bị bắn cháy trên chiến trường.

Gần một nửa số lượng xe tăng Mỹ chuyển giao cho Iraq đã bị thiệt hại trong cuộc chiến chống khủng bố IS vừa qua, điều này buộc chính quyền Bagbad phải tìm tới Moscow để mua xe tăng T-90 - dòng tăng thể hiện rất tốt trong cuộc chiến chống khủng bố IS tại Syria.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/iraq-tuyen-bo-mua-s-400-bat-chap-my-de-doa-3380123/