Iron Dome chiếc 'vòm sắt' cuối cùng để bảo vệ Israel khỏi tên lửa Iran và Syria

Lo ngại động thái tấn công bằng tên lửa có thể xuất phát từ phía bên kia biên giới Syria, Tel Aviv cho triển khai hệ thống đánh chặn Iron Dome biệt danh 'vòm sắt' tới sát biên giới.

Căng thẳng giữa Israel và liên minh Syria - Iran đang ngày càng leo thang khi các bên liên tục đe dọa lẫn nhau. Trong khi Israel tuyên bố họ sẽ đánh phá bất cứ mục tiêu nào của Iran trên đất Syria thì ngược lại Iran cũng cảnh báo khoảng 100.000 tên lửa sẵn sàng lao về phía Tel Aviv.

Iran là một trong những quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ tại Trung Đông, đặc biệt họ là một trong số những quốc gia trong khu vực có lực lượng tên lửa đa dạng với nhiều chủng loại.

Có thông tin cho rằng Pakistan và Triều Tiên đã giúp công nghệ tên lửa cho Iran từ cuối thập niên 1980.

Vì vậy việc đe dọa của Iran không hoàn toàn là lời nói suông. Israel cũng đã có những động thái để sẵn sàng đương đầu với một cuộc xung đột có thể xảy ra.

Tel Aviv đang sở hữu lưới lửa tên lửa phòng thủ cực lớn với nhiều tầng lớp, trong đó Iron Dome là hệ thống phòng thủ tầm thấp sau cùng để đánh chặn tên lửa trước khi chúng lao vào mục tiêu và phát nổ.

Iron Dome là một trong những hệ thống đánh chặn độc đáo nhất thế giới, ngoài đánh chặn các mục tiêu trên, hệ thống này còn đánh chặn được cả đạn pháo.

Đây là điều mà hiếm có hệ thống phòng không nào trên thế giới làm được kể cả các hệ thống của Nga và Mỹ.

Hình ảnh đạn tên lửa của hệ thống phòng thủ Iron Dome.

Iron Dome với biệt danh "Vòm sắt" được Israel tự nghiên cứu và chế tạo dùng để bảo vệ không phận nước này khỏi pháo phản lực, đạn pháo và đạn cối của các lực lượng hồi giáo cực đoan

Minh họa các mục tiêu mà hệ thống Iron Dome có thể đánh chặn.

Hệ thống được bắt đầu chế tạo vào năm 2005 và ra mắt công chúng vào năm 2011.

Đạn tên lửa của Iron Dome có tầm tác chiến hiệu quả từ 4 km tới 79 km, với cơ chế dẫn đường đặc biệt nó có thể phá hủy ngay cả đạn pháo siêu tốc.

Hình ảnh quả đạn pháo siêu tốc bị phá hủy ngay trên không bởi hệ thống Iron Dome.

Mô phỏng đạn tên lửa của hệ thống Iron Dome khai hỏa.

Mỗi xe mang phóng có cơ số đạn gồm 20 quả tên lửa được đặt trong các ống phóng.

Một khẩu đội thường là 3 xe mang phóng sẽ có tổng số đạn trực chiến là 60 quả tên lửa.

Khi radar phát hiện ra vật thể bay thù địch, hệ thống xe chỉ huy sẽ tính toán quỹ đạo bay và đưa ra tọa độ rơi của quả đạn.

Nếu quả đạn được xác định sẽ rơi đúng vào khu vực đông dân cư, tên lửa đánh chặn từ Iron Dome được kích hoạt và tiêu diệt mục tiêu ngay còn khi đang bay trên không.

Điểm mạnh của hệ thống này chính là tốc độ phản ứng nhanh và có khả năng đánh chặn cực kỳ hiệu quả.

Theo phía Israel công bố, kể từ khi được triển khai từ tháng 3-2011 cho tới tháng 11-2012, Iron Dome đã đánh chặn được hơn 400 quả đạn được phóng ra từ pháo phản lực vào lãnh thổ nước này.

Như vậy, Iron Dome đã vô hiệu hóa tới 90% số lượng tên lửa được phóng đi từ Gaza nhắm vào các khu dân cư của Israel.

Điểm đặc biệt là Hệ thống "Vòm Sắt" còn có cả khả năng đánh chặn được cả các loại máy bay bay ở độ cao tối đa lên tới 10 km.

Iron Dome được coi là hệ thống đánh chặn đa mục tiêu tầm gần hiệu quả nhất hiện nay. Điểm yếu của hệ thống này chính là giá thành, mỗi đạn tên lửa có giá tới 90.000 USD quá đắt đỏ để đánh chặn đạn cối nhưng lại là phương án kinh tế nếu dùng để chặn tên lửa đạn đạo.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-iron-dome-chiec-vom-sat-cuoi-cung-de-bao-ve-israel-khoi-ten-lua-iran-va-syria/766594.antd