Israel đã thắng liên minh Arab trong cuộc chiến tranh 6 ngày thế nào?

Đứng trước nguy cơ bị liên minh Arab tấn công, Quân đội Israel đã lên một kế hoạch tấn công phủ đầu đầy táo bạo và chưa từng có tiền lệ. Điều này đã giúp họ thắng lợi lớn trong trận chiến 6 ngày với các quốc gia Arab.

 Cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 giữa một bên là quốc gia Israel nhỏ bé với một bên là các nước láng giềng Arab hùng mạnh gồm: Ai Cập, Jordan và Syria. Phần thắng cuối cùng thuộc về Israel.

Cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 giữa một bên là quốc gia Israel nhỏ bé với một bên là các nước láng giềng Arab hùng mạnh gồm: Ai Cập, Jordan và Syria. Phần thắng cuối cùng thuộc về Israel.

Sau cuộc chiến Israel - các nước Arab năm 1956, theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 3.400 lính “mũ sắt xanh” của LHQ từ các nước Scandinaver, Canada, Brazil và Nam Tư được bố trí tại biên giới Israel - Ai cập để lập vùng đệm giữa các bên.

Từ thời điểm đó, tuy vẫn có các cuộc chạm súng lẻ tẻ giữa các tại các khu vực biên giới, nhưng nói chung là tình hình không quá căng thẳng. Nhưng vào đầu năm 1967, bắt đầu đã có những diễn biến nguy hiểm.

Sáng ngày 7-4-1967, quân đội Syria nã pháo dữ dội vào các khu vực dân cư của Israel.

Sau đó mấy giờ, Không quân Israel ném bom vào các trận địa pháo của Syria trên cao nguyên Goland và các máy bay chiến đấu Israel cất cánh từ các căn cứ không quân ở Galile xuất hiện trên bầu trời Damask.

Hình ảnh binh sĩ và xe tăng Israel đang tiến vào cao nguyên Golan.

Đã diễn ra các cuộc không chiến giữa Mirage của Israel và MiG của Syria, một số chiếc MiG của Syria đã bị bắn hạ, Israel không mất chiếc Mirage nào.

Ngày 14-5-1967, Ai Cập ban bố lệnh tổng động viên. Tổng thống Ai Cập G.Naser bắt đầu điều quân đến tập kết tại Bán đảo Sinai.

Đến cuối tháng 5, tại khu vực này đã có gần 100.000 lính Ai Cập cùng gần như toàn bộ những vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất Liên Xô mới cung cấp có mặt tại khu vực này.

Ngày 17-5-1967. Tổng thống Ai Cập G. Naser yêu cầu LHQ rút toàn bộ Lực lượng gìn giữ hòa bình ra khỏi biên giới Ai Cập - Israel và 5 ngày sau đó đã đóng cửa eo biển Tiran.

Tổng thư ký LHQ U Thant, dù không thông báo cho Hội đồng bảo an, đã chấp thuận yêu cầu này của Ai Cập.

Đối mặt với nguy cơ bị tấn công, Bộ Tổng tham mưu Israel dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng quốc phòng mới - Tướng Moshe Daian đã lập kế hoạch tác chiến mang tên “Bồ câu”.

Ngày 26-5-1967, Tổng thống Mỹ L.Johnson đã tiếp Bộ trưởng ngoại giao Israel và cam kết sẽ ủng hộ mọi biện pháp mà Israel áp dụng để giải tỏa eo biển Tiran. Đến cuối tháng 5, một phần lớn lực lượng của Hạm đội 6 (Mỹ) được triển khai đến khu vực phía đông Địa Trung Hải. Một đội tàu chiến khác của Mỹ cũng được đưa đến Biển Đỏ.

Sáng ngày 5-6-1967, chiến dịch mang tên “Cú đấm của Sion” của Israel bắt đầu.

Ai Cập, Syria, Iraq và Jordan (là những nước A rập tham chiến) trước thời điểm xảy ra chiến tranh có tổng cộng gần 700 máy bay chiến đấu, còn Israel - gần 300.

Trước nguy cơ bị "xóa sổ" khỏi bản đồ thế giới thêm một lần nữa, Israel đã tấn công phủ đầu trước để giành thế chủ động.

Hành động quân sự đầu tiên và cũng là đòn phủ đầu mang tính quyết định của Israel nhắm vào Ai Cập chính là cuộc tấn công phủ đầu vào Không quân nước này.

Trong số các quốc gia Ả Rập thời đó, Không quân Ai Cập là lực lượng đông và hiện đại nhất đã bị phía Israel gần như "xóa sổ" hoàn toàn, phần lớn các máy bay của Ai Cập bị phá hủy khi chúng còn đang nằm dưới mặt đất.

2/3 các máy bay của Ai cập bốc cháy ngay trên sân bay và không một chiếc nào có thể cất cánh. Sau ba ngày, ba nước A rập bị mất (theo các số liệu khác nhau) từ 360 đến 420 máy bay ngay trên các sân bay và trong các trận không chiến.

Phía Israel bị tổn thất (trong các trận không chiến và bị các phương tiện phòng không mặt đất đối phương bắn hạ) - từ 18 đến 44 máy bay. Sự khác biệt giữa con số tổn thất máy bay của hai bên rõ ràng là quá lớn. Hình ảnh hệ thống phòng không S-75 của quân đội Ai Cập dùng để đánh máy bay Israel.

Tuy nhiên, nếu cứ lấy số liệu tổn thất cao nhất của ba nước A rập (420 máy bay) thì đến sáng ngày thứ hai của cuộc chiến, số lượng máy bay của hai bên xung đột vẫn tương đương nhau. Tuy nhiên, dù một vài cuộc không chiến vẫn diễn ra cho đến ngày 9-6, phía Israel vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên không.

Ngay sau khi Không quân Ả Rập bị tiêu diệt, bộ binh Israel bao gồm các đơn bị lục quân, thiết giáp và pháo binh bắt đầu mở cuộc tấn công ào ạt vào Dải Gaza và Bán đảo Sinai.

Dù có trang thiết bị gần như tương đương, dù quân số không nhiều bằng quân đội Ai Cập, phía Israel vẫn giành được chiến thắng một cách dễ dàng khi tấn công vào khu vực thung lũng Sinai.

Cần phải nói thêm, phía Ai Cập bố trí quân đội phòng thủ ở khu vực này theo kiểu phòng thủ chiều sâu với các đơn vị xe tăng liên tục cơ động còn bộ binh phải giữ được vị trí của mình.

Đây là kiểu chiến thuật phòng thủ phổ biến nhất do Liên Xô xây dựng nhưng từ lâu đã sớm bị Israel bắt bài qua các cuộc chiến tranh trước đây với Ả Rập và bản thân chiến thuật này cũng không phù hợp với tinh thần chiến đấu của binh lính Ả Rập.

Sau chỉ một ngày giao tranh, dù phía Ai Cập vẫn còn nhiều đơn vị nguyên vẹn, hoàn toàn không có thương vong tổn thất nào đáng kể nhưng lại nhận được lệnh rút lui từ tổng hành dinh.

Mệnh lệnh này đã khiến tinh thần lính Ai Cập xuống cực kỳ thấp vì họ nghĩ toàn bộ các đơn vị đồng minh đã bị đánh bại dù rằng thực tế lại không phải vậy.

Sáng 6-6-1967, Tổng tư lệnh Quân đội Ai cập Tướng Amer ra lệnh cho Bộ đội Ai cập ở Sinai rút lui. Rút lui trong điều kiện liên tục bị người Do Thái công kích từ trên không đã nhanh chóng biến thành một cuộc tháo chạy hoảng loạn và dẫn đến thảm họa.

Các hoạt động tác chiến trên bán đảo Sinai kết thúc sáng ngày 9-6-1967.

Về phía Ai cập có từ 10.000 đến 15.000 binh sỹ thiệt mạng, 5.000 bị bắt làm tù binh, mất gần 800 xe tăng (291 T-54, 82 T-55, 151 T-34/85, 72 IS-3M, 29PT -76, 50 “Sherman”, một khối lượng lớn các phương tiện kỹ thuật bọc thép khác.

Không những thế, một số lượng lớn các xe tăng và xe vận tải bọc thép còn nguyên vẹn đã rơi vào tay Quân đội Israel.

Chiến lợi phẩm nhiều đến mức, mặc dù không có các phụ tùng Xô Viết để thay thế, người Do Thái đã đưa chúng vào trang bị cho các đơn vị quân đội (trong đó có 81 T-54 và 49 T-55), chỉ thay động cơ và vũ khí của Phương Tây.

Một số xe đến nay vẫn còn nằm trong biên chế của Quân đội Israel. Cụ thể, Israel đã sử dụng khung gầm của T-54 và T-55 để chế tạo xe vận tải bọc thép “Akhzarit” - được sử dụng nhiều trong cuộc chiến tranh với Li Băng năm 2006.

Còn về phía mình, Israel mất trên bán đảo Sinai 120 xe tăng - ít hơn so với số xe tăng chiến lợi phẩm thu được.

Song song với các trận chiến trên bán đảo Sinai với Ai Cập là các trận chiến ác liệt giữa Israel và Jordany để giành Jerusalem và Bờ tây sông Jordan.

Ngày 6-6 các đơn vị Jordan thậm chí đã bao vây một tiểu đoàn tăng Israel nhưng không thể tiêu diệt được tiểu đoàn này. Tổn thất về tăng của hai bên nghiêng về phía Jordan (gần 200 tăng Jordan và hơn 100 tăng Isarel).

Các hoạt động tác chiến tại đây kết thúc ngày 7-6, quân A rập bị đánh bật sang bên kia sông Jordan. Người Israel đã trả được món nợ năm 1948 và lấy lại vùng Latrun và khu phố cổ tại Jerusalem.

Syria thời gian đầu chỉ đứng ngoài quan sát cuộc chiến và không có bất cứ động thái quân sự nào nào. Nhưng đến ngày 9-6, tình thế đã khác hẳn và đến lượt Syria chịu trận. Vào giữa trưa, lực lượng Israel đã bắt đầu tấn công cao nguyên Golan.

Có lẽ đây chiến dịch khó khăn nhất đối với Israel trong suốt cuộc chiến tranh sáu ngày vì địa hình cao nguyên Goland có lợi cho Syria.

Thậm chí theo số liệu của Israel thì nước này đã mất ở đây số lượng xe tăng nhiều gấp đôi Syria - 160 so với 80 (trong trang bị của quân đội Syria có cả tăng T-34/85 của Liên Xô và xe tăng StuG III của Đức).

Tuy bị thiệt hại nặng nhưng khi tấn công cao nguyên Golan người Israel biết chắc là họ sẽ thắng, còn người Syria khi phòng ngự tại cao nguyên này cũng đã biết chắc là mình sẽ thua. Đến 18h30 ngày 10-6-1967, hai bên chính thức ngừng bắn.

Dù giành chiến thắng vang dội như vậy, tổn thất của quân đội Israel vẫn thấp hơn rất nhiều những gì họ ước tính. Tổng cộng phía Israel chỉ mất khoảng 800 quân, 2.563 lính bị thương, 46 máy bay bị phá hủy. Trong khi đó, Không quân Ai Cập đã bị xóa sổ, 21 ngàn quân thiệt mạng, 45 ngàn bị thương.

Khi lãnh đạo các nước Ả Rập tham chiến đổ lỗi thất bại do vũ khí Liên Xô quá kém, Đại sứ Liên Xô tại Beirut, Asimov đã nói thẳng với Tổng thống Syria lúc bấy giờ rằng: “Chúng tôi đã cung cấp cho các ngài một số lượng khổng lồ các loại vũ khí, mà các đồng chí Việt Nam của chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy. Tuy nhiên, Quân đội Việt Nam, được trang bị những loại vũ khí lạc hậu hơn nhiều so với các ngài đang chiến đấu và chiến thắng một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới (Mỹ)”.

Chỉ trong vòng 6 ngày, Israel đã làm thay đổi căn bản cán cân lực lượng ở Trung Đông. Nước này đã đánh bại quân đội của 3 nước A rập có biên giới chung với Israel, trong đó đối thủ chủ yếu của Israel là Ai cập bị thiệt hại nặng nhất.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-israel-da-thang-lien-minh-arab-trong-cuoc-chien-tranh-6-ngay-the-nao/768206.antd