Israel gặp khó nếu muốn phá hủy mê cung địa đạo của lực lượng Hamas

Israel đang liên tục không kích nhằm triệt phá các cơ sở hạ tầng và các mục tiêu quân sự của lực lượng Hamas ở dải Gaza. Nhưng họ gặp nhiều trở ngại khi muốn phá hủy mê cung địa đạo gồm các đường hầm bí mật được ví như hệ thống 'tàu điện ngầm' của Gaza.

Lực lượng Hamas gần như không sống trong các khu nhà trên mặt đất hoặc đi lại trên đường phố như hầu hết thường dân Palestine gánh chịu bom đạn của Israel, mà họ sử dụng mê cung đường hầm bí mật.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã nhiều lần nỗ lực nhưng thất bại trong việc phá hủy mạng lưới đường hầm khổng lồ được thiết lập sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007.

Hệ thống này không chỉ hoạt động ngầm khắp Gaza mà một số đường hầm còn vươn tới lãnh thổ Israel, trở thành điểm khởi đầu cho nhiều cuộc tấn công của Hamas.

Các đường hầm đầu tiên của Hamas được xây dựng vào năm 2007 giữa Dải Gaza và Ai Cập, được thiết kế để buôn lậu hàng tiêu dùng nhằm vượt qua sự phong tỏa của Israel.

Tuy nhiên, một số mạng lưới thô sơ được cho là tồn tại ở Gaza ít nhất từ năm 2004, khi một số vụ tấn công lẻ tẻ vào năm 2004 khiến vài binh sĩ IDF thiệt mạng.

Cuộc đột kích xuyên biên giới đầu tiên của Hamas được ghi nhận vào năm 2006, khi lực lượng này bắt cóc binh sĩ IDF Gilad Shalit, giam giữ anh ta trong hơn 5 năm để sau đó đổi lấy hơn 1.000 con tin người Palestine.

Đến năm 2013, mạng lưới này đã xoay khỏi biên giới Ai Cập và hướng tới Israel. Có ít nhất 3 đường hầm dưới biên giới Israel-Gaza, hai trong số đó chứa đầy chất nổ.

Đường hầm là một trong những công cụ hiệu quả nhất của Hamas trong cuộc xung đột với Israel năm 2014, khi các tay súng sử dụng chúng để tiến vào nhà nước Do Thái, phục kích binh lính IDF và quay trở lại Gaza thông qua các lối đi ngầm.

Israel từ lâu đã phải vật lộn để xóa sổ hệ thống này, bất chấp các thiết bị quân sự và tình báo hàng đầu. Nguyên nhân chủ yếu là các đường hầm cực kỳ khó phát hiện từ trên không.

Chúng được gia cố bằng bê tông để phòng ngừa các cuộc không kích và nguy cơ xâm nhập. Đường hầm có những đoạn nhỏ hẹp, không đủ để một người đứng thẳng nhưng có đoạn kiên cố và đủ lớn để vận chuyển hàng lậu qua.

Trong cuộc giao tranh đỉnh điểm kéo dài 7 tuần vào tháng 7-2014, một trong những mục tiêu chính của Israel là phá hủy mạng lưới đường hầm của lực lượng Hamas. IDF thông báo họ đã vô hiệu hóa 32 đường hầm dọc biên giới Israel-Gaza, trong đó có 14 đường hầm đi qua Israel.

Năm 2015, lực lượng Hamas theo đạo Hồi bắt đầu sử dụng máy móc hạng nặng, bao gồm máy ủi và máy kéo, cũng như các công cụ kỹ thuật để đẩy nhanh quá trình xây dựng đường hầm.

Việc tái thiết này phần lớn được cho là do Iran tài trợ, cùng với đó Hamas cũng được cấp thêm tên lửa để bổ sung kho vũ khí

Nhưng người ta cho rằng lực lượng Hamas đã mở rộng mạng lưới này một cách đáng kể có lẽ để chuẩn bị cho các cuộc tấn công ngày 7-10-2023. Toàn bộ địa đạo được cho là có chi phí xây dựng từ 30 triệu - 90 triệu USD

Mạng lưới ngầm hiện nay phân nhánh hàng chục kilomet qua Dải Gaza đến các thị trấn Khan Younis, Jabalia và trại tị nạn Shati đồng thời cũng trải dài đến Israel

Các đường hầm được Hamas và các nhóm Hồi giáo khác ở Gaza như phong trào Thánh chiến Hồi giáo ở Palestine sử dụng. Tất cả đều cho rằng, hệ thống địa đạo này là cần thiết để phòng thủ và ứng phó với các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của Israel

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/israel-gap-kho-neu-muon-pha-huy-me-cung-dia-dao-cua-luc-luong-hamas-post554899.antd