Israel thời lập quốc: Giấc mộng nghìn năm, ân oán nghìn năm

Không phải đến tận năm 2020 này, xung đột Israel - Palestine mới trở thành một điểm nóng nhức nhối trên bản đồ địa chính trị thế giới.

Và trong năm 2020 này cũng như sau đó, những diễn biến chung quanh mảnh Đất Thánh đầy xương trắng máu đào từ thời các cuộc Thập tự chinh vẫn sẽ còn khiến giới quan sát quốc tế phải tốn rất nhiều giấy mực. Tuy nhiên, những tranh chấp trong lịch sử thế giới cận đại tại đây đã bắt đầu như thế nào?

Yếu tố Anh

Có lẽ, những phác thảo với văn phong sáng sủa và dễ hiểu của học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Bán đảo Ảrập là cách diễn giải dễ nắm bắt nhất, đối với bất cứ ai quan tâm.

Ông mô tả tình hình Trung Đông sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc: "Năm 1942, hai chiếc tàu chở đầy trẻ em Do Thái chạy trốn khỏi Đức Quốc xã bị đắm tại Địa Trung Hải và Hắc Hải, do nước Anh không cho phép được vào hải phận Palestine (miền đất mà Anh giữ quyền ủy trị). Hàng nghìn người Do Thái vừa thoát được các lò thiêu Danzig hay Auschwitz thì lại phải làm mồi cho cá mập".

Năm 1946, 300 thanh thiếu niên Do Thái trốn thoát khỏi trại tập trung của Anh ở đảo Chypre, xuống tàu Exodus, đậu ngay gần bờ, tuyệt thực để đòi quyền được đặt chân lên đất Palestine. "Đến ngày thứ tư, mười em tắt thở, cả thế giới công phẫn, và chính phủ Anh đành chịu thua".

Binh sĩ Israel cắm cờ chiến thắng.

Binh sĩ Israel cắm cờ chiến thắng.

Bởi vậy, "trước kia Anh là ân nhân, thì bây giờ thành kẻ thù của dân Do Thái. Ở Palestine, Do Thái vừa phải chống với Anh, vừa phải chống với (cộng đồng) Ảrập (Arab). Bị đặt vào tử lộ, họ phải đoàn kết với nhau mà chiến đấu, và chiến đấu rất hăng".

Ba phía thù nghịch nhau. Ba phía tấn công nhau. Phía nào cũng "hai mặt thọ địch". Phía nào cũng có những lý lẽ biện hộ cho hành động của mình, và đúng hơn, phía nào cũng thiếu những căn cứ pháp lý để bẻ gãy lý lẽ của đối thủ. Palestine trở nên "hỗn loạn không tưởng tượng nổi". Ngay cả khi nước Anh đề xuất tổ chức một hội nghị nhằm tìm hiểu quan điểm của nhau, thì mọi đề nghị trong hội nghị đó cũng đều phải nhận cả hai phiếu chống.

Hiển nhiên, mối hiềm khích này xuất phát từ lịch sử lâu đời của vùng đất nối ba châu lục, qua sự thay thế nhau của các đế chế cổ đại, qua cả các cuộc Thập tự chinh đẫm máu, qua sự hưng vượng và suy tàn của Byzance hay Ottoman, đến những vấn đề phát sinh khi Anh nắm quyền ủy trị (từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất) và bị tác động từ những diễn biến hệ quả của Đại chiến thế giới lần thứ hai mà ngày càng trở nên sâu nặng.

Một cách ngắn gọn, học giả Nguyễn Hiến Lê diễn giải:

"Do Thái bảo:

- Tổ tiên chúng tôi ở Palestine. Chúng tôi có quyền về quê hương của chúng tôi. Quyền đó đã được Hội Vạn Quốc (Hội Quốc Liên) thừa nhận. Chúng tôi lại có công khai phá Palestine mà không làm hại gì cho người Ảrập; chúng tôi tôn trọng quyền lợi của họ, và mức sống của họ nhờ chúng tôi mà cao lên, thế thì tại sao lại cấm chúng tôi? Huống hồ hiện nay có 250.000 đồng bào của chúng tôi sống sót tại các trại giam của Đức, bảo họ đi đâu bây giờ?

Ảrập bảo:

- Đất Palestine, tổ tiên chúng tôi đã chiếm được từ năm 637, sau ba năm chiến đấu với người Ba Tư, vậy thì đâu còn là của Do Thái nữa? Từ trước chúng tôi vẫn là dân tộc đa số ở đây. Khi đế quốc Thổ (Ottoman) sụp đổ, Anh đã hứa cho chúng tôi độc lập, Tổng thống (Mỹ) Wilson đã nêu qui tắc dân tộc tự quyết. Vậy Palestine phải là một quốc gia Ảrập độc lập. Chúng tôi hứa sẽ tôn trọng Do Thái, phần thiểu số trong quốc gia chúng tôi.

Anh đã lỡ hứa cho cả hai bên, không biết đáp ra sao, trút cả trách nhiệm cho Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc đưa giải pháp: Chia đôi Palestine thành hai quốc gia. Do Thái chịu, vì thà được ít còn hơn không, sau sẽ hay; nhưng Ả Rập nằng nặc đòi đuổi Do Thái đi. Anh thấy ôm miếng đất đó chỉ thêm bỏng tay, tuyên bố ngày 1/1/1948 sẽ rút đi, để hai bên lãnh trách nhiệm với nhau".

Nhưng trước kỳ hạn đó hai tháng rưỡi, nước Anh đã chính thức lên tiếng xác nhận chấm dứt nhiệm kỳ ủy trị của mình.

Cuộc giao chiến đầu tiên

Ngày 12/5/1948, sau khi đã dần chuyển giao quyền lực cho các lực lượng Arab, Anh triệt thoái những người lính cuối cùng khỏi Palestine.

16h ngày 14/5/1948, lãnh tụ Do Thái Ben Gourion tuyên bố tại Tel Aviv: "Tôi tuyên bố thành lập một quốc gia Do Thái ở Palestine. Kể từ hôm nay, quốc gia đó lấy tên là Israel. Hỡi những người anh em Do Thái trên khắp thế giới, xin các bạn nghe tôi đây: Tất cả hãy đứng về phía Israel. Giúp cho quốc gia phát triển. Giúp cho dân tộc chiến đấu thực hiện giấc mộng ngàn năm của chúng ta: Giấc mộng cứu quốc và phục hưng Israel!".

30 phút sau nửa đêm, nghĩa là 30 phút sau khi ngày cuối cùng nước Anh giữ quyền ủy trị Palestine trôi qua, Mỹ lên tiếng thừa nhận quốc gia Iusrael. Nhưng văn bản thành lập quốc gia chưa ráo mực, thì bom đạn đã lại vang rền.

Đến cả vua Abdallah của Transjordanie (Jordan hiện tại), vốn có cảm tình với dân Do Thái, cũng thông báo với Liên Hiệp quốc rằng ông sẽ phải đưa quân sang Palestịne để bảo vệ những người Arab. Đồng thời, hai đạo quân Ai Cập tiến vào Gaza và Hebron. Một cánh quân của Iraq chặn phía Nam miền Galilee. Một đạo quân Syria tấn công Tiberiade và Safed. Một đạo quân khác của Lebanon tấn công Bắc Galilee, hướng về Haifa. Tel Aviv bị bao vây ba mặt.

Song, giữa vòng vây, tinh thần chiến đấu của người Israel vẫn tạo nên những thành công đáng nể phục. Họ không hoảng loạn, không sụp đổ. Họ bình tĩnh đón đánh từng cánh quân, tiêu hao và tiêu diệt. Liban và Iraq phải rút quân trước. Sau trận Fallouga đại bại, đến lượt quân Ai Cập.

Quân đội Transjordanie tiến vào Palestine.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi đình chiến, nhưng đó chỉ là cái cớ, là khoảng nghỉ để các bên tập trung và củng cố lại lực lượng. Giao tranh còn diễn ra cho đến tận năm 1949, khi Israel lần lượt ký hiệp định đình chiến với Ai Cập, Syria, Lebanon và Transjordanie, dưới những tác động mạnh mẽ của các cường quốc phương Tây.

Vấn đề là, những đường biên giới mới được quy định theo lãnh thổ kiểm soát thực tế vào lúc đình chiến. Theo đó, "Do Thái bất mãn vì thành Jerusalem bị chia đôi, mà khu có nhiều di tích cổ lại thuộc về Transjordanie". Người Arab Palestine "bất mãn vì mất nhiều đất quá". Họ mất tên trên bản đồ, thay vào đó là Palestine và Transjordanie (đổi tên thành Jordanie hay Jordan).

Chẳng ai hoàn toàn vừa lòng, cho dù dư luận trung lập đánh giá rằng Israel đã được ưu ái quá nhiều. Cũng chính bởi vậy, bất cứ phía nào cũng vẫn luôn sẵn sàng tìm cớ xé bỏ những hiệp ước đã ký. Phương Tây đã đến và tạo nên những hố sâu thù hận, rồi rời đi khi chưa buồn bỏ công lấp chúng một chút nào. Trong khi đó, người Do Thái nhận ra rằng họ đủ mạnh để đòi hỏi nhiều hơn, và cũng đủ mạnh để chống lại cả khối Arab thiếu gắn bó trong tác chiến quân sự.

Đến năm 2019, có không ít những đường nét quá khứ lại đã tái sinh bên Bức Tường than khóc. Thay cho Anh trước năm 1948, bao thập kỷ qua, nước Mỹ trở thành thế lực bên ngoài ảnh hưởng nhiều nhất đến tình hình Trung Đông. Đương kim tổng thống của họ - ngài Donald Trump - đầu tiên tuyên bố Mỹ xem Jerusalem là thủ đô mới của Israel, và chuyển Đại sứ quán Mỹ về đó, như một sự "dằn mặt" cộng đồng Arab.

Sau đó, ông gợi ý thừa nhận chủ quyền của Israel trên các khu vực bị xem là chiếm đóng, như cao nguyên Golan hay bán đảo Sinai. Sau đó nữa, Bộ Ngoại giao Mỹ đảo ngược quan điểm của chính mình, thừa nhận các khu định cư Do Thái mới ở Bờ Tây là hợp pháp.

Còn hiện tại, Mỹ đang đề nghị khai tử "giải pháp hai nhà nước", đề nghị Palestine chấp nhận thực tế rằng các phần lãnh thổ mà Israel chiếm đóng đã không còn là của người Palestine Arab.

Từ giấc mộng lập quốc đơn sơ, Israel giờ đã thực sự là một quyền lực. Từ giải pháp hai quốc gia, đến giờ Palestine vẫn chẳng có nổi một nhà nước đúng nghĩa. Nhưng, oán thù vẫn nguyên vẹn là oán thù…

* Điều đáng ngạc nhiên là dù phản đối cho người Do Thái vào Palestien trước đó, vua Saudi Arabia đương thời - Ibn Seoud - lại không động binh cùng đánh Israel với các láng giềng Arab. Học giả Nguyễn Hiến Lê bình luận: "Thần Dầu lửa cơ hồ thiêng hơn Allah!".

* Thực ra, tất cả mọi cánh quân Arab vây đánh Israel tháng 5/1948 chỉ đạt tổng số 21.000 binh lính, trong khi số binh lính của Israel là 60.000 người, với vũ khí hiện đại hơn và tinh thần chiến đấu cao hơn. Thêm vào đó, các tổ chức kibbouz (dân quân tự vệ địa phương) của họ hoạt động rất kỷ luật và hiệu quả, góp phần quan trọng vào thắng lợi.

Phi Hồ

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/israel-thoi-lap-quoc-giac-mong-nghin-nam-an-oan-nghin-nam-581732/