Israel triển khai kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây: Trở ngại cho hòa bình Trung Đông

Chảo lửa Trung Đông tiếp tục 'nóng' trong những ngày gần đây sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thúc đẩy triển khai kế hoạch mở rộng chủ quyền tới khu Bờ Tây, sáp nhập phần lãnh thổ mà người Palestine coi là thuộc nhà nước của mình trong tương lai vào đầu tháng 7 tới. Động thái trên được giới phân tích đánh giá là sẽ gây trở ngại cho hòa bình ở Trung Đông, thổi bùng lên ngọn lửa xung đột giữa người Palestine và người Israel tại vùng đất vốn đã nhiều rối ren.

Người biểu tình tụ tập tại Quảng trường Rabin (Israel) để phản đối kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây.

Trong suốt chiến dịch tái tranh cử để trở thành thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử hiện đại của Nhà nước Israel, nhà lãnh đạo 70 tuổi B.Netanyahu từng nhiều lần khẳng định sẽ sáp nhập các khu định cư Do Thái thuộc khu Bờ Tây và Thung lũng Jordan. Khi công bố thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh giữa đảng Likud và đảng Xanh - Trắng nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị trong nhiều tháng tại nước này, Thủ tướng B.Netanyahu cũng đưa ra thời hạn là ngày 1-7-2020 để Chính phủ Israel tổ chức các cuộc họp nội các bàn về việc mở rộng chủ quyền đối với các khu định cư này.

Theo thỏa thuận thành lập Chính phủ Israel, việc sáp nhập cần phải có được sự đồng thuận của Mỹ. Kế hoạch hòa bình Trung Đông được ví là “thỏa thuận thế kỷ” do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào tháng 1-2020 cũng được Chính phủ của Thủ tướng B.Netanyahu nhắc tới như là lời hứa công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư tại khu Bờ Tây chiếm đóng. Ngay giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn có chuyến thăm Israel vào giữa tháng 5 vừa qua, gây ra lo ngại về việc Mỹ đang giúp Israel "vẽ lại" bản đồ Bờ Tây. Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết, quân đội đã được điều động để đối phó với những phản ứng từ Bờ Tây, sau khi quan chức này có cuộc thảo luận với Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman về việc khởi động kế hoạch gây nhiều tranh cãi.

Dù được chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump “bật đèn xanh”, song quyết định của Israel vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Trung Đông Nickolay Mladenov cảnh báo, ý định của Israel là mối đe dọa lớn đối với luật pháp quốc tế, "thổi bay" giải pháp hai nhà nước, đóng lại cánh cửa của các cuộc đàm phán và tương lai hòa bình cho khu vực này. Nhiều quốc gia Arab và châu Âu đã lên án đề xuất của ông chủ Nhà Trắng là thiên vị Israel và tạo ra “độc lập có điều kiện” đối với người Palestine. Liên minh châu Âu (EU) cũng nhiều lần nhắc lại quan điểm phản đối hành động này.

Hoạt động đấu tranh trên mặt trận quốc tế đang được Palestine tích cực thực hiện. Đặc phái viên của Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cho biết, phía Palestine sẽ gia tăng các nỗ lực tại Hội đồng Bảo an để ngăn chặn Israel triển khai kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ tại Bờ Tây mà người Palestine coi là thuộc nhà nước của mình trong tương lai. Về phần mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định, động thái của Israel đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi sự hợp tác an ninh. Chính phủ Palestine sẽ miễn hoàn toàn trách nhiệm và nghĩa vụ trong mọi thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với Chính phủ Mỹ và Israel, bao gồm cả các thỏa thuận an ninh. Tuy nhiên, Tổng thống M.Abbas nhấn mạnh, Palestine vẫn cam kết thực hiện giải pháp hai nhà nước và sẵn sàng đàm phán với Israel.

Làn sóng phản đối kế hoạch của Israel đã diễn ra trên khắp khu Bờ Tây, nơi người Palestine sinh sống. Cuối tuần qua, hàng nghìn người Israel cũng tổ chức biểu tình tại quảng trường Rabin ở thành phố Tel Aviv để phản đối ý định của Thủ tướng B.Netanyahu mở rộng chủ quyền tới các khu vực thuộc Bờ Tây. Trước những căng thẳng leo thang, triển vọng đàm phán giữa người Israel và người Palestine để chấm dứt tranh chấp lịch sử trên cơ sở giải pháp hai nhà nước đang đứng trước thách thức lớn.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/969565/israel-trien-khai-ke-hoach-sap-nhap-khu-bo-tay-tro-ngai-cho-hoa-binh-trung-dong